Y gia - Tác phẩm

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Một số điểm cần chú ý khi sử dụng thuốc Nam

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/01/2015 07:27 SA

những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

Thuốc đông (bao gồm cả thuốc Nam và thuốc Bắc) là những vị thuốc kinh nghiệm của ông cha ta, có tác dụng chữa bệnh tốt, dễ kiếm, lại rẻ tiền, việc sử dụng tương đối dễ dàng, nhưng việc sử dụng chỉ mới dựa vào kinh nghiệm và học thuyết Âm Dương ngũ hành của triết học phương đông còn ít người hiểu, phần lớn chưa được giải thích bằng cơ sở khoa học hiện đại.

Có người nói thuốc Bắc là thuốc nhập của Trung Quốc. Sự thực, không phải thuốc nào nhập của Trung Quốc cũng gọi là thuốc Bắc. Ví dụ ta nhập của Trung Quốc gồm có "phục linh", "đương quy", "bạch truật", "hoàng kỳ", … và penixilin, sunfamit, glucoza, … nhưng chỉ gọi là các vị "phục linh", "đương quy", "bạch truật", "hoàng kỳ" là thuốc Bắc, còn penixilin, sunfamit thì lại gọi là thuốc tây nhập của Trung Quốc.

Có người gọi thuốc Nam là thuốc sản xuất ở trong nước. Sự thực, ta cũng lại chia thuốc sản xuất ở trong nước ra hai loại thuốc tây bào chế ở Việt Nam và thuốc Nam thực sự. Thuốc Nam, theo định nghĩa ở trên, được nhân dân một số nơi ở miền Nam gọi là "thuốc vườn" vì có thể kiếm quanh vườn.

Do thuốc Đông, trong đó có thuốc Nam phần lớn chưa được giải thích trên cơ sở khoa học, cho nên một số người thường đòi hỏi phải nghiên cứu để biết trong vị thuốc đó có những hoạt chất gì, cơ chế tác dụng ra sao rồi mới sử dụng.

Một số người thường quan niệm việc nghiên cứu thuốc khá đơn giản, nhanh chóng. Thực tế, nó không đơn giản, nhanh chóng như ta đã nghĩ.

Khó khăn này không phải chỉ riêng đối với nước ta do điều kiện nghiên cứu còn hạn chế, mà còn là khó khăn chung đối với nhiều nước trên thế giới có nền khoa học tiên tiến, vì đối tượng nghiên cứu là những cây thuốc, động vật làm thuốc là những sinh vật còn chứa đựng nhiều bí mật chưa khám phá ra được. Vì vậy ở ngay những nước có nền khoa học tiên tiến, bên cạnh những thuốc đã biết rõ cấu tạo, cơ chế, còn rất nhiều vị thuốc được nhân dân tiếp tục sử dụng theo kinh nghiệm cổ truyền, mà người ta thường gọi là Y học nhân dân.

Thường phải rất lâu, ta mới thấy các nước đó đưa được một vị thuốc từ lĩnh vực Y học nhân dân sang lĩnh vực Y học khoa học.

Ở nước ta, lĩnh vực Y học nhân dân rất rộng lớn. Những kinh nghiệm đó nằm rải rác trong nhân dân.

Nhiều thuốc có tác dụng chữa bệnh rõ rệt, nhưng ta chưa thể giải thích và chứng minh được bằng khoa học hiện đại.

Phương châm kết hợp Đông y và Tây y của Đảng và của Ngành y tế đề ra đòi hỏi chúng ta phải vừa áp dụng những kinh nghiệm chữa bệnh của ông cha ta bằng thuốc Nam, vừa tiến hành nghiên cứu, chứ không đợi nghiên cứu xong rồi mới sử dụng. Vì những kinh nghiệm chữa bệnh của ông cha ta đã được thực tế chứng minh trên người thực, bệnh thực từ bao đời nay rồi.

1. Nhưng vì những kinh nghiệm đó thường chỉ được truyền miệng từ người này qua người khác, qua mỗi người lại thay đổi một tí, có khi bị che dấu, xuyên tạc do người có kinh nghiệm muốn giữ độc quyền, cho nên trong công tác điều tra sưu tầm bài thuốc cũng như khi áp dụng những kinh nghiệm nhân dân, vấn đề quan trọng là phải biết phân biệt kinh nghiệm thực sự và kinh nghiệm đã bị xuyên tạc, thần bí hóa.

Trong bộ sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu những vị thuốc phát hiện trong nhân dân mà chúng tôi đã có dịp kiểm tra lại về mặt thực giả, tốt xấu, bản thân có dịp sử dụng hay chứng kiến sử dụng. Chúng tôi lại đã tham khảo đối chiếu nhiều năm qua các tài liệu cổ, tài liệu mới ở trong và ngoài nước.

2. Một đặt điểm nữa của thuốc Nam hiện nay là tên gọi vị thuốc chưa thống nhất: Cùng một cây có khi mỗi nơi lại gọi một khác (sài đất tại một vài địa phương tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ gọi là húng trám), hoặc nhiều cây khác hẳn nhau lại cùng mang một tên (như bồ công anh, nhân trần, cam thảo). Cho nên khi sử dụng cần chú ý phân biệt, nếu không, kết quả điều trị không thống nhất sẽ ảnh hưởng tới sự tin tưởng vào thuốc Nam. Sự thiếu thống nhất này làm công tác điều trị và nghiên cứu của chúng ta thêm phức tạp, nhưng trái lại, nếu biết vận dụng, lại làm cho công tác điều trị và nghiên cứu thêm thêm phong phú, độc đáo. Trong khi giới thiệu vị thuốc, hình vẽ, phần mô tả cây và những cây thực trồng ở vườn thuốc địa phương sẽ giúp chúng ta phân biệt được cây nọ với cây kia.

3. Biết đúng cây thuốc rồi, nhưng còn cần thu hái đúng mùa, đúng lúc cây thuốc, vị thuốc có chứa nhiều hoạt chất nhất (ví dụ: ổi xanh ăn chát, ổi chín ăn thơm và ngọt); dùng đúng bộ phận cây để làm thuốc (ví dụ: dầu thầu dầu uống vào có tác dụng tẩy, nhưng ăn hạt thầu dầu khì có thể gây ngộ độc chết người; thịt cóc ăn được nhưng da cóc, trứng cóc gây ngộ độc chết người); chế biến phải đúng phép (ví dụ: hạt thảo quyết minh dùng sống thì gây tẩy hay nhuận tràng, sao vàng hay sao đen thì không còn thấy tác dụng tẩy nữa).

Có như vậy mới bảo đảm hiệu lực thực tế của thuốc. Ngay cả việc sử dụng thuốc tươi hay thuốc khô nhiều khi cũng đưa lại những kết quả khách hẳn nhau (ví dụ ta có thể ăn chuối khô, nhãn khô, vải khô, nhưng không ai ăn mía đã phơi khô) vì trong quá trình phơi hay sấy khô có thể có một số hoạt chất bị phá hủy.

Để cho vị thuốc khô giữ được tác dụng như lúc còn tươi, đối với một số vị thuốc ta có thể đem đồ hơi nước sôi trong vòng 3 đến 5 phút trước khi đem phơi hay sấy khô. Dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc rượu đều ảnh hưởng ít nhiều đến tác dụng chữa bệnh của đơn thuốc hay vị thuốc.

Kinh nghiệm bản thân chúng tôi thấy dạng thuốc sắc đóng ống rồi hấp tiệt trùng như những thuốc ống để uống là một dạng thuốc để lâu không hỏng, gần giống hình thức thuốc sắc dùng trong nhân dân, lại dễ làm. Với dạng thuốc này, chúng ta có thể theo dõi tác dụng của một bài thuốc hay vị thuốc một cách tương đối chính xác.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng đối với từng vị thuốc cụ thể, ta có thể tìm một dạng thuốc thích hợp hơn, tiện dụng hơn, rẻ hơn mà vẫn bảo đảm hiệu quả. Cho nên chúng tôi nghĩ, chính trong quá trình nghiên cứu sử dụng thuốc Nam, công tác chế biến, bào chế nhất định sẽ thu được những kết quả quan trọng.

4. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài hiệu lực đồng đều, song song với việc khai thác cây thuốc mọc hoang, cần tiến hành nghiên cứu trồng cây, con làm thuốc. Trong thực tế công tác, chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề tưởng như dễ dàng nhưng rất khó (ví dụ tại Hà Nội, nhiều người trồng cây sử quân tử, tuy ra rất nhiều hoa nhưng không kết quả) và ngược lại có nhiều vấn đề thoạt nhìn tưởng khó nhưng làm lại dễ.

5. Đối với tác dụng của thuốc Nam, bên cạnh một số tên bệnh và triệu chứng bệnh có sự phù hợp giữa Tây y và Đông y, chúng ta còn chưa hài lòng về một số khá nhiều những danh từ bệnh khá mờ hồ như đau bụng, ho, hậu sản, cam, … Trách nhiệm của người thầy thuốc là phải theo dõi tác dụng của thuốc trên lâm sàng, có đủ những xét nghiệm, phương tiện chuẩn đoán hiện đại để dần dần có thể viết lại những tên bệnh, triệu chứng bệnh theo đúng như khoa học y học hiện đại. Có như vậy chúng ta mới thực hiện đúng chủ trương kế thừa nhưng phải phát huy hết vốn cũ của ông cha ta. Chúng ta không thể đứng ngoài mà chê trách các cụ lương y, các tài liệu khoa học cũ là lạc hậu, là mơ hồ để rồi không dùng, không theo, mà thái độ đúng của chúng ta là phải nghiên cứu tìm hiểu trên thực tế những bệnh đó tương ứng với những bệnh theo khoa học y học hiện đại.

Để tiện cho các bạn tham khảo, đối chiếu, trong phạm vi có thể, ngoài những tên bệnh mới, chúng tôi đều có ghi tác dụng và tính chất của vị thuốc theo các tài liệu cổ, theo tiếng nói của các cụ lương y. Kinh nghiệm bản thân tôi, là những tính chất và tác dụng đó tuy viết theo những danh từ cổ, nhưng cũng giúp ta một ý niệm quan trọng về những chỉ định của người xưa để có thể rút kinh nghiệm vận dụng trong điều kiện hiện nay.

Mặc dầu chúng tôi đã cố gắng để có nhiều tài liệu và dẫn chứng Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn tiếc rằng còn quá ít, vì phần lớn những kinh nghiệm dùng thuốc Nam chưa được chính thức công bố.

Chúng tôi hy vọng vằng với chủ trương đẩy mạnh sử dụng thuốc Nam có theo dõi, tổng kết, tập tài liệu này sẽ ngày được bổ sung thêm nhiều những dẫn chứng và số liệu Việt Nam.

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 1)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 2)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 3)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 4)


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]