Giải mã Đông y

Đầu xuân tản mạn Nho - Y - Lý - Số

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/02/2012 06:56 CH

Sự phát triển của y học từ xưa tới nay luôn luôn gắn liền với Khoa học và Triết học. Đông y hay Tây y đều như vậy cả. Tuy nhiên giữa Đông y và Tây y có một sự khác biệt cơ bản là Hệ thống lý luận của Tây y được xây dựng trên cơ sở của Sinh lý học, nghĩa là một chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học. Trong khi đó, Hệ thống lý luận của Đông y lại được xây dựng trên nền tảng của Đạo học, nghĩa là trên cơ sở các triết lý về vũ trụ và nhân sinh của Nho gia, Đạo gia, Phật gia, cũng như của nhiều triết phái khác trong thời cổ đại.

chữ đạo

Đặc điểm nổi bật về phương diện lý luận của Đông y, là rất nhiều phạm trù và khái niệm của Đông y, cũng chính là những phạm phù và những khái niệm của Đạo học.

Đạo là Y và Y cũng là Đạo. Chính vì vậy thời xưa "Y học" thường được mệnh danh là "Y đạo" và người xưa thường nói: "Đạo nhờ có Y mà sáng tỏ" (Đạo dĩ y hiển). Y học là nơi thể hiện tập trung và rõ ràng nhất nguyên lý của Đạo.

Cũng chính vì giữa Đạo và Y không có đường phân ranh rõ rệt, nên người xưa thường nói: "Tú tài học y, dễ như bắt gà ở trong lồng" (Tú tài học y, lung trung tróc kê). Tú tài hay nho sinh, học y dễ dàng như bắt gà trong lồng chủ yếu bởi vì, người có trình độ tú tài, do đã có sẵn những hiểu biết và phương thức tư duy của Đạo, nên đã nắm vững được những vấn đề cốt lõi nhất của Y lý, chỉ cần bổ túc thêm về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh và ghi nhớ một số bài thuốc, là đã có thể bắt đầu chữa bệnh cứu người.

Mặt khác, trong xã hội thời xưa, nho sinh, sĩ phu chỉ có một con đường tiến thân duy nhất, đó là khoa cử. Nếu như chẳng may thi không đỗ, thì giá trị của họ chẳng đáng nửa xu. Do đó, để phòng khi sa cơ lỡ bước, ngay từ khi bắt đầu cắp sách đi học, ngoài những sách cơ bản phải học như "Tứ thư" (Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung), "Ngũ kinh" (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân thu), ... Nho sinh còn thường học thêm cả Đông y, Thuật số, Mệnh lý, Phong thủy, ... Từ đó hình thành một tầng lớp tri thức thông thạo tất cả những bộ môn Nho, Y, Lý, Số.

Đọc lại sử sách có thể thấy, trong xã hội thời xưa, có rất nhiều trường hợp được gọi là "Thừa Nho quá Y" - Hiện tượng các nhà Nho, nhân có sẵn kiến thức về Nho học, mà chuyển sang thực hành chữa bệnh. Có những người trở thành thầy thuốc chuyên nghiệp, nhưng cũng có những người chỉ làm thuốc theo kiểu nghiệp dư. Những người như vậy, thường được gọi là các "Nho y".

Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, Chu Văn An, Phan Phù Tiên, Nguyễn Quý, Nguyễn Đình Chiểu, ... ở Việt Nam, Trương Trọng Cảnh, Thẩm Quát, Tô Đông Pha, Trần Tu Viên, ... ở Trung Quốc, đều là những nhân vật như vậy.

Điểm qua đôi nét chính yếu về một số vị Nho y của Việt Nam:

(1) Tuệ Tĩnh:

    - Ông tổ của nghề thuốc Việt Nam, vốn là người xuất thân từ giới Đạo học. Ông là người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

    - Theo truyền thuyết ghi trong thần tích của làng Nghĩa Phú, Tuệ Tĩnh từng đỗ Thái học sinh, nhưng không ra làm quan, mà vào chùa chuyên tâm nghiên cứu và sưu tầm các loại cây cỏ, để làm thuốc cứu giúp dân nghèo.

    - Tuệ Tĩnh để lại 2 tác phẩm lớn là "Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư" và "Nam Dược Thần Hiệu". Đó là những bộ sách thuốc thuộc loại cổ nhất của Việt Nam còn lưu truyền cho đến ngày nay.

    - Khi đánh giá về vai trò của Tuệ Tĩnh, E. Gaspardone (nhà thư mục học nổi tiếng người Pháp) đã viết trong sách Thư Mục Việt Nam (Bibliographie Annamite - Tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ xuất bản năm 1934): "Có thể nói không quá đáng rằng, Tuệ Tĩnh là người sáng lập thực sự ra nghề thuốc Việt Nam, về sau Lãn Ông chỉ là người tuyên truyền rất có hiệu quả cho nghề này. Thực tế, Tuệ Tĩnh luôn luôn được coi như vị thánh thuốc nam, người thầy của những người hành nghề y dược cổ truyền Việt Nam ...".

(2) Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông:

    - Người xã Liêu Xá, huyện Thượng Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương cũ.

    - Ông là con thứ 7 của quan Binh bộ Thượng thư Lê Hữu Kiều, từng đỗ hương cống nhưng không ra làm quan. Năm 34 tuổi, bước vào con đường nghiên cứu y học, sau nổi tiếng là một đại danh y. Cuối đời, ông về ẩn cư ở quê ngoại, tại xã Tình Diệm, xứ Bầu Thượng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (có sách chép là ẩn cư ở Nghệ An).

    - Ông đã trước tác bộ "Y tông tâm lĩnh", còn gọi là "Lãn Ông y tập", gồm 66 quyển, khảo cứu về y lý và thảo dược, được lưu truyền cho tới ngày nay.

(3) Chu Văn An (1292-1370):

    - Quê ở làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

    - Chu Văn An không chỉ có cống hiến lớn lao về giáo dục và văn học, mà còn để lại tác phẩm "Y học yếu giải" - một di sản quý giá về Đông y học.

    - Theo sách "Chu Văn An và Y học yếu giải": Tuy không là thầy thuốc chuyên nghiệp, nhưng ông thường hay đọc sách thuốc để chữa bệnh cho mình và cho gia đình. Lâu ngày nhiều người biết tiếng, cũng tìm đến xin ông chữa bệnh. Nhân thấy tình hình y học nước nhà cần bổ cứu, ông đã soạn ra tập "Y học yếu giải" nói về những điều cốt lõi của Y đạo, góp phần mở mang dân trí, dạy cho dân biết cách dùng thuốc chữa bệnh để bảo vệ sức khỏe, giữ gìn giống nòi.

(4) Phan Phù Tiên, tự Tín Thần, hiệu Mặc Hiên:

    - Tuy là một Nho sĩ thành công nhưng cũng rất chú trọng vấn đề y học. Ông người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông thời xưa.

    - Đỗ Thái học sinh khoa Bính Tý (1396), đời Trần Thuận Tông, sau còn đỗ thêm khoa Minh kinh (1429), giữ chức Tri quốc sử viện, sau giữ chức Quốc tử bác sĩ tại Quốc tử giám.

    - Đã biên soạn sách "Bản thảo thực vật toản yếu", nói về tính năng và tác dụng của một số vị thuốc thường dùng.

(5) Nguyễn Trực, tự Công Đĩnh, hiệu Hu Liêu:

    - Là một Nho sĩ thành đạt nhưng cũng rất chuyên tâm nghiên cứu y học. Ông người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ.

    - Đỗ Trạng Nguyên năm Thái Hòa, đời Lê Nhân Tông, từng giữ chức Hàn lâm viện thị giảng kiêm Quốc tử giám tế tửu.

    - Biên soạn cuốn sách "Bảo anh lương phương", ghi chép những bài thuốc trị bệnh hiệu nghiệm.

Danh sách Nho y trong lịch sử nước nhà, tất nhiên còn có thể nối dài thêm nữa. Nhưng dù có nói thêm thì cũng chỉ dẫn tới cùng một kết luận: Không thông Đạo, không tinh thông Triết học phương Đông, sẽ không thể trở thành thầy thuốc Đông y chân chính.

Trước khi kết thúc, xin nói thêm về một nhà báo rất quen thuộc, đó là Ngô Tất Tố, một nhân vật thuộc thế hệ Nho sinh cuối cùng, trước khi Hệ thống giáo dục ngày nay thay thế Nho học. Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng - đó là điều mọi người đều biết. Thế nhưng, sự việc Ngô Tất Tố còn là thầy lang, đó là điều không nhiều người biết.

Theo cụ thân sinh của người viết kể lại: Từ năm 1936, gia đình từng làm nghề in ấn và mở Nhà xuất bản Mai Lĩnh. Từng có rất nhiều cộng tác viên, như Phùng Bảo Thạch, Vũ Liên, Lan Khai, Nguyễn Tuân, Vũ Công Hoan, Doãn Kế Thiện, Phan Tất Đắc, ... Trong số đó, ba ông Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và Phạm Cao Củng (chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp) là những người đặc biệt thân thiết, có những thời gian dài ăn ở luôn tại nhà Mai Lĩnh, ở phố Hàng Điếu. Khi đó ngoài việc trước tác, Ngô Tất Tố còn hay chữa bệnh cho một số bạn văn (trong đó có Vũ Trọng Phụng, bị bệnh lao phổi) và những người trong nhà Mai Lĩnh. Ngô Tất Tố chữa bệnh rất mát tay, chữa các bệnh ngoại cảm và ngoài da rất giỏi. Một số bài thuốc của Ngô Tất Tố còn được đưa vào sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi, ...

Như trên đã nói, Đông y là một nơi thể hiện tập trung và rõ ràng nhất vũ trụ quan và nhân sinh quan của Đạo, cho nên ngược lại cũng có thể thông qua Đông y để tìm hiểu về Đạo, cũng tức là "Tòng y nhập đạo" (theo như cách nói của người xưa).

Đối với chúng ta ngày nay, Đông y có thể là một con đường tắt, giúp nhanh chóng bước chân vào thế giới của Đạo. Như vậy, tìm hiểu Đông y, không chỉ có thể mang lại những kiến thức thiết dụng, hữu ích đối với việc giữ gìn sức khỏe, mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phương thức tư duy phương Đông cổ đại, nhờ đó có thể thừa kế và phát huy tốt hơn những di sản ông cha để lại.

Lương y THÁI HƯ 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]