Giải mã Đông y

Chữa bệnh tìm gốc

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 21/02/2012 12:39 SA

... Trưa đi học về. Bé Huy thấy trên bàn có sẵn mâm cơm làm sẵn từ sáng. Mẹ dặn trước khi ăn phải đem hấp lại. Nhưng vì bụng đói quá, bé Huy cứ thế là ăn liền! Và sau đó là lăn ra ngủ... Ngủ trưa dậy, Huy bắt đầu đau bụng, cảm thấy buồn nôn, đau đầu, người ớn lạnh và hâm hấp sốt, chạy vội vào nhà vệ sinh, đi ngoài như tháo cống. Sau đó liền phải đến bệnh viện để khám.

Đến trước Huy là một cụ già, cũng mắc bệnh đau bụng. Cụ già kể bệnh: "Cứ tảng sáng thức dậy là bụng thấy đau, trong bụng nghe có tiếng ùng ục, phải vội vàng khoác áo chạy ngay vào nhà vệ sinh. Nhưng chỉ cần ỉa tháo xong là bụng hết đau, và cả ngày lại bình thường chẳng có chuyện gì".

Khám bệnh cho hai người là một thầy thuốc đã cao tuổi. Cụ già được thầy thuốc cho uống loại thuốc viên là "Tứ thần hoàn", còn bé Huy thì được kê cho 3 thang "Hoắc hương chính khí ẩm" mang về sắc uống.

Huy cảm thấy rất lạ, liền hỏi tại sao hai người cùng bị bệnh đau bụng, mà lại cho dùng những loại thuốc khác nhau? Vị thầy thuốc mỉm cười giải thích: "Trị bệnh cầu bản; Cấp tắc trị kỳ tiêu; Hoãn tắc trị kỳ bản" - Nghĩa là: "Chữa bệnh phải tìm gốc; Bệnh cấp thì phải chữa "ngọn"; Bệnh hòa hoãn thì chữa vào "gốc".

Thế nhưng, thế nào là "chữa bệnh tìm gốc"? Hơn nữa, "gốc" và "ngọn" ở đây là gì? Bé Huy vẫn chưa hiểu gì cả! Nhưng thấy nhiều người còn đang chờ khám bệnh, đành ấm ức xin phép ra về.

...

Trong Đông y, có rất nhiều nguyên tắc và phương pháp chữa bệnh. Tùy theo mức độ trừu tượng cao hay thấp và phạm vi ứng dụng rộng hay hẹp, các nguyên tắc, phương pháp chữa bệnh được phân chia thành 3 cấp độ:

    - Cấp độ cao nhất: Bao gồm những khái niện, những tư tưởng cơ bản, có tính chỉ đạo. Thông thường, đó là sản vật của tư duy triết học. "Trị bệnh cầu bản" – "Chữa bệnh tìm gốc" là một trong những nguyên tắc ở cấp độ này. "Chữa bệnh tìm gốc" là nguyên tắc cơ bản, tổng quát nhất, trong lý luận về trị liệu học của Đông y học.

    - Cấp độ thứ hai: Bao gồm những nguyên tắc có tính cương lĩnh, từ đó lập ra những phương pháp trị liệu cụ thể. Thí dụ, "Hàn giả nhiệt chi" (gặp chứng hàn thì dùng loại thuốc ôn nhiệt để chữa), "Nhiệt giả hàn chi" (gặp chứng nhiệt thì dùng loại thuốc hàn lương để chữa", hay như "Hoãn tắc trị bản", "Cấp tắc trị tiêu" đều là những nguyên tắc chữa bệnh (trị tắc) thuộc cấp độ này.

    - Cấp độ thứ ba: Là tập hợp các phương pháp chữa bệnh cụ thể (trị pháp) trên lâm sàng. Thí dụ, "Thanh nhiệt giải độc", "Hoạt huyết hóa ứ", "Kiện tỳ bổ khí", "Thư can lý khí", "Tư âm giáng hỏa", ... đều là những phương pháp ở cấp độ này.

Trở lại những điều thắc mắc của bé Huy...

    "Gốc" và "ngọn" là những thuật ngữ thường dùng để phân tích bệnh tình trong Đông y. Đó là một cặp khái niệm có tính tương đối, hàm nghĩa: Chủ yếu và thứ yếu, trước và sau, nguyên nhân và hậu quả, ... Thường dùng để thuyết minh bản chất và hiện tượng trong quá trình bệnh biến. Nói chung: Nguyên nhân gây ra bệnh là "gốc", các triệu chứng biểu hiện ra ngoài là "ngọn"; các nhân tố nội tại cũng là "gốc", các nhân tố đến từ bên ngoài cũng là "ngọn"...

    Đối với các bệnh tật khác nhau, hoặc đối với các giai đoạn khác nhau của cùng một bệnh, người ta cũng dùng khái niệm "gốc" và "ngọn" để phân tích và xác định phương hướng điều trị. Khi bệnh thế hòa hoãn, thì "gốc" đóng vai trò chủ yếu và cũng là trọng điểm điều trị. Khi vừa mắc phải một bệnh mới hoặc trong quá trình bệnh biến, xuất hiện những dấu hiệu nguy kịch, thì "ngọn" đóng vai trò chủ yếu và cũng là trọng điểm điều trị.

    "Trị bệnh cầu bản" – "Chữa bệnh tìm gốc" nghĩa là khi chữa trị bệnh tật cần xác định chính xác gốc bệnh, tiếp đó là nhằm vào gốc bệnh mà tiến hành chữa trị. Nghĩa là phải khéo léo phát hiện ra nguyên nhân cơ bản đã dẫn đến bệnh tật, rồi nhằm đúng vào nguyên nhân cơ bản đó mà tiến hành thực thi các biện pháp chữa trị cụ thể. "Tìm gốc" là tiền đề và là căn cứ của "Chữa gốc". "Chữa gốc" là mục đích của "Tìm gốc". "Tìm gốc" và "Chữa gốc" là một chỉnh thể hữu cơ, không thể chia cắt.

• Hoãn chữa gốc; Cấp chữa ngọn

    Chữa gốc, chủ yếu được áp dụng trong trường hợp bệnh tình tương đối hoãn hòa, các triệu chứng biểu hiện không quá cấp bách, khi đó cần nhằm vào gốc bệnh mà chữa.

    Thí dụ, trường hợp cụ già bị ỉa chảy vào lúc sáng sớm (ngũ canh tiết) trong câu chuyện trên. Đó là một loại bệnh mạn tính, nguyên nhân là "tỳ thận dương hư", chủ yếu là thận dương hư. Cho nên mới dùng thuốc "Tứ thần hoàn", có tác dụng bổ thận dương và tỳ dương, để "trị gốc". Thận dương và tỳ dương vững lên dần, thì hiện tượng ỉa chảy lúc sáng sớm cũng "rút lui" dần dần.

    Chữa ngọn, chủ yếu được áp dụng trong tình huống các triệu chứng biểu hiện mãnh liệt và cấp bách, như trong trường hợp của bé Huy. Nguyên nhân là do ăn phải thức ăn nguội lạnh, bị "hàn tà" và "thấp khí" (ở đây là các loại vi khuẩn gây bệnh ỉa chảy) thâm nhập vào cơ quan tiêu hoá. Đó là bệnh mới mắc, là bệnh cấp, những chứng trạng như đau bụng, ỉa chảy, đau đầu, ... cũng đều cấp bách, cho nên phải tiến hành "chữa ngọn", dùng "Hoắc hương chính khí ẩm" để trừ bỏ hàn tà và thấp trệ.

• Chữa gốc kiêm chữa ngọn

    Ngoài nguyên tắc "Bệnh hoãn chữa gốc, bệnh cấp chữa ngọn", trong rất nhiều trường hợp, Đông y còn sử dụng phương pháp "tiêu bản kiêm trị" (nghĩa là chữa gốc kiêm chữa ngọn) đồng thời chữa cả gốc lẫn ngọn.

    Thí dụ, trường hợp bệnh nhân cơ thể vốn yếu ớt, lại bị cảm mạo, thì sẽ phải chú ý cả "gốc" lẫn "ngọn". Nếu chỉ chữa ngọn (chỉ dùng thuốc cho ra mồ hôi để giải cảm), thì cơ thể sẽ không chịu nổi vì mất nước quá nhiều. Ngược lại, nếu chỉ chữa gốc (chỉ bồi bổ cơ thể) mà không sử dụng thuốc khu trừ bệnh tà, thì bệnh độc (vi trùng, vi khuẩn gây bệnh) sẽ thâm nhập càng sâu, bệnh sẽ "nhập lý", rất khó chữa khỏi. Cho nên, trường hợp này phải đồng thời trị cả gốc lẫn ngọn: Vừa dùng thuốc bồi bổ cơ thể, vừa dùng thuốc khu trừ bệnh tà. Như vậy mới trừ khử được bệnh độc mà không làm tổn thương thân thể.

    Tóm lại, "Trị bệnh cầu bản" - chữa bệnh tìm gốc, là phải nắm vững bản chất bệnh, tập trung vào đó mà tiến hành điều trị. Mặc dù một số trường hợp phải chữa "ngọn", nhưng không bao giờ được quên cái "gốc". Đặc biệt là, khi bệnh tình diễn biến phức tạp. Có nắm vững gốc bệnh, mới có thể giành thế chủ động, mới không lâm vào tình trạng bị động, chữa trị theo kiểu "đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân" - chỉ biết chạy theo các triệu chứng bên ngoài một cách mù quáng. Thực tế lâm sàng cho thấy, nếu chỉ chạy theo các triệu chứng lặt vặt, không những không chữa khỏi được bệnh, không những sẽ tốn công tốn thuốc, mà còn khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.

• Hoắc hương chính khí ẩm

hoắc hương

    - Xuất xứ: Sách "Hòa tễ cục phương".

    - Thành phần: Hoắc hương 10g, tử tô 10g, bạch chỉ 10g, cát cánh 10g, trần bì 10g, hậu phác 12g, đại phúc bì 15g, bán hạ 12g, thương truật 10g, phục linh 15g, cam thảo 3g.

    - Cách dùng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; hoặc chế thuốc viên hay thuốc tán.

    - Công dụng: Tán hàn giải biểu (giải cảm lạnh), trừ thấp, hòa trung (điều hòa chức năng tiêu hóa).

    - Chứng bệnh thích ứng: Cảm phải hàn tà thấp khí, dẫn tới các chứng trạng như sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, tức ngực, đau bụng, lợm giọng, buồn nôn, nôn, chán ăn hoặc đại tiện như tháo cống.

    - Phân tích: Bài thuốc dùng hoắc hương làm chủ vị, vừa có tác dụng giải trừ thử thấp, lại có tác dụng tiêu trừ thấp trọc ở tràng vị (đào thải chất độc ở đường ruột). Phối hợp với tử tô, bạch chỉ và cát cánh để tăng cường chức năng giải trừ ngoại tà. Phối hợp với hậu phác, đại phúc bì để tiêu trừ ngực bụng đau tức; phối hợp với bán hạ, trần bì để hòa vị giáng nghịch (chống nôn); lại thêm thương truật, phục linh, cam thảo để lợi thấp, kiện tỳ. Tổ hợp lại thành phương thuốc chữa ngoại cảm hàn thấp và rối loạn tiêu hóa, có tác dụng tốt.

• Tứ thần hoàn

bổ cốt chi

    - Xuất xứ: Sách "Nội khoa trích yếu".

    - Thành phần: Bổ cốt chi 120g, ngũ vị tử 60g, nhục đậu khấu 60g, ngô thù du 30g.

    - Cách dùng: Trộn với nước sắc gừng tươi làm thuốc viên, hoặc giảm liều lượng theo tỷ lệ các vị thuốc, thêm gừng nướng sắc uống.

    - Công dụng: Ôn bổ tỳ thận, chữa ỉa chảy lâu ngày.

    - Chứng bệnh thích ứng: Chữa tỳ thận dương hư, dẫn tới ỉa chảy lâu ngày hoặc ngũ canh tiết (ỉa chảy lúc tảng sáng), chán ăn, đầy bụng, tiêu hóa kém; hoặc đau bụng, chân tay lạnh, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, mạch trầm trì, chất lưỡi nhạt.

    - Phân tích: Tiêu chảy lâu ngày thường liên quan đến chức năng của hai tạng Tỳ và Thận; khi chữa trị cần tập trung vào thận. Bài thuốc dùng bổ cốt chi, có tác dụng ôn bổ thận dương, làm chủ vị. Cùng sự trợ giúp của ngô thù du để ôn trung tán hàn (làm ấm, giải trừ hàn khí ở trung tiêu tỳ vị); dùng nhục đậu khấu, ngũ vị tử để sáp tràng cố thoát (làm săn niêm mạc ruột, chống tiết tả). Nhờ kết hợp các tác dụng trên, bài thuốc có tác dụng chữa ỉa chảy lâu ngày, nhất là ỉa chảy lúc sáng sớm, hiệu quả khá tốt.


Lương y THÁI HƯ  

(Bài đã đăng trên tạp chí Dược & Mỹ Phẩm của Cục Quản lý dược – Bộ  y tế) 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]