MỘC THÔNG - 木通
Mộc thông là một vị thuốc ta vừa nhập của Trung Quốc, vừa khai thác trong nước. Nhưng ngay mộc thông của Trung Quốc cũng không thống nhất. Người ta đã thống kế, phát hiện thấy hơn 10 loại cây khác nhau, thuộc các họ thực vật khác nhau, chủ yếu thuộc 2 họ: Mộc hương (Aristolochiaceae), Mao lương (Rauunculaceae) cho vị thuốc mang tên mộc thông.
Tại Việt Nam, cũng có mấy cây khai thác với tên mộc thông. Khi sử dụng cần chú ý theo dõi.
Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu một số cây thường được dùng nhất.
Vị mộc thông, nguyên gọi là thông thảo, vì có lỗ nhỏ ở hai đầu nên gọi tên như vậy ("mộc" là gỗ, "thông" là thông qua).
A. MÔ TẢ CÂY
Cây mộc thông mã đậu linh - hay mộc thông (Hocquartia manshuriensis (Kom) Nakai hay Aristolochia manshuriensis Kom thuộc họ Mộc hương (Aristolochiacease) là một loại dây leo vào cây to, dài độ 6-7m, cành non có lông. Lá to, hình tim, mép nguyên, cuống lá dài. Hoa mọc ở kẽ lá, màu lục nhạt, trong có các đốm màu tím. Quả màu xám mở ở trên đỉnh.
Mộc thông (mã đậu linh) - Hocquartia manshuriensis
Cây này chưa thấy ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, cây này được dùng ở Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Cát Lâm.
Trung Quốc còn dùng và bán sang ta các loại mộc thông sau đây:
- Tiểu mộc thông do cây Clematis armandi Franch. Thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae).
- Bạch mộc thông do cây Akebia trifoliata (Thunb) Keidz var. australis (Diels) Rehd. Thuộc họ Lardizabalaceae. Có tác giả xác định là Akebia quinata (Thunb) Decne.
Những cây sau được khai thác ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, .v.v.
B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN
Người ta dùng thân cây, bóc vỏ, phơi khô mà dùng. Do nguồn gốc khác nhau người ta phân chia ra:
- Quan mộc thông (Caulis Hocquartiae manshurruensis) thu hái từ tháng 9 đến tháng 3, cắt thành từng đoạn ngắn dài tùy ý, cạo bỏ vỏ ngoài, bó thành từng bó, phơi khô. Loại này chủ yếu tiêu thụ ở vùng Hoa Bắc, Hoa Đông và có xuất cảng.
- Hoài mộc thông (Caulis Clematidis armandi) thu hoạch vào tháng 9, cắt thành từng đoạn 60cm, bóc bỏ vỏ phơi khô. Vùng Quảng Đông, Quảng Tây có xuất sang ta.
- Bạch mộc thông (Caulis Akebiae trifoliatae) thường chỉ tiêu thụ ở vùng Quế Lâm (Quảng Tây), Vân Nam. Không thấy nói khai thác để xuất khẩu.
C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Trong mộc thông mã đậu linh hay quan mộc thông (Hocquartia mashuriensis) người ta chiết ra được 0,091% chất có tinh thể màu vàng, độ chảy 281-283o, công thức thô C12H11O4 (Hóa học học báo, 22:1144-1956).
Trong mộc thông Nhật Bản (Akebia quinata Decne) người ta đã lấy được một loại glucozit gọi là akebin (C35H56O20)3 khi thủy phân sẽ được akebigenin C31H50O4, glucoza và rhamnoza (Tạp chí hóa học Nhật Bản 48, 49, 1927-1928).
Ngoài ra còn có hederagenin C30H48O4 và axit oleanolic hay caryophylin C30H48O3 (Dược học tạp chí 60, 1940).
D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Năm 1955, Cao ứng Đầu và Chu Nhĩ Phương đã dùng mộc thông Akebia quinata chế thành thuốc rượu 25%, bốc hết rượu đi rồi tiêm vào mạng bụng thỏ (2ml cho 1kg thể trọng) cho thuốc liên tục trong 5 ngày kết quả thấy tác dụng lợi tiểu rõ rệt; thí nghiệm còn cho biết tác dụng lợi tiểu đó không do thành phần muối trong mộc thông (độ tro).
Năm 1956, Tưởng Bá Thành, Triệu Tử Đạt và Ngụy Nguyên Giang đã dùng mộc thông mã đậu linh (Aristolochia manshuriensis) chế thành thuốc sắc 1:1 (1ml tương đương 1g dược liệu) tiêm vào tĩnh mạch chó và thỏ đã đánh mê bằng phênol-bacbital (với liều 0,1g cho 1kg thể trọng), rồi dùng ống để lấy nước tiểu, kết quả không thấy tác dụng lợi tiểu tiện, mà lại còn thấy có lúc nước tiểu giảm xuống.
Năm 1957, Trầm Quân Văn ở Bộ môn dược lý Viện y học Thượng Hải báo cáo đã theo dõi người uống mộc thông (5 lần, mỗi lần 3g mộc thông) thì thấy có tác dụng lợi tiểu.
Năm 1954, theo báo cáo của Chu Nhan, mộc thông còn có tác dụng tăng huyết áp (tiêm dung dịch mộc thông vào mạch máu chó đã gây mê). Tưởng Bá Thành và những người cộng tác cũng đi tới cùng một kết luận, tuy nhiên đối với một vài con thỏ thì không thấy hiện tượng tăng huyết áp, ngược lại, huyết áp lại hạ xuống, Chu Nhan dùng mộc thông bán ở Bắc Kinh, còn Tưởng Bá Thành thì dùng mộc thông bán ở Nam Kinh.
Nước sắc mộc thông mã đậu linh dùng với liều nhỏ có tác dụng hưng phấn đối với tim cô lập của cóc như sức co bóp của tim mạmh lên, ngược lại liều lớn có tác dụng làm yếu sức co bóp của tim, cuối cùng đi tới tim ngừng đập ở thể tim giãn, liều trung bình thì làm cho tâm thất ngừng ở trạng thái tâm thu, còn tâm nhĩ ngừng ở thể tâm giãn. Tác dụng này khác với tác dụng của ion canxi, nhưng cả hai vị lại có tác dụng hiệp đồng.
Liều nhỏ nước sắc mộc thông có tác dụng hưng phấn đối với tim cóc tại chỗ, nhưng với liều lớn lại làm cho tim ngừng ở thể tâm thu, đối với tim cô lập của chuột bạch thì có tác dụng kích thích.
Nước sắc mộc thông có tác dụng kích thích đối với mẩu ruột cô lập của chuột nhắt, nhưng đối với tử cung cô lập của chuột nhắt thì dù là chuột có chửa hay không đều thấy có tác dụng ức chế.
Chu Nhan còn phát hiện trên lâm sàng thấy nước sắc mộc thông có khi gây nôn. Người lớn uống với liều 15g một lần hay hơn thì sau 30-60 phút thấy nôn mửa.
E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Tính chất mộc thông theo tài liệu cổ: Vị đắng, tình hàn; vào 4 kinh Tâm, Phế, Tiểu trường và Bàng quang. Có tác dụng giáng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu tiện, thông huyết mạch. Dùng chữa thấp nhiệt lâm bệnh, tiểu tiện khó khăn, thủy thũng, phụ nữ kinh bế, sữa tắc.
Mộc thông là một vị thuốc dùng chữa tiểu tiện khó, thủy thũng, ít sữa. Ngoài ra còn chữa kinh nguyệt bế tắc. Phụ nữ có thai và những người tiểu tiện quá nhiều không dùng được.
Liều dùng hằng ngày 4-6g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phố hợp với các vị thuốc khác.
Đơn thuốc có mộc thông dùng trong nhân dân:
(1) Chữa khó tiểu tiện hay tiểu tiện đau buốt: Mộc thông, phục linh, trạch tả, đăng tâm, xa tiền, chư linh - mỗi vị 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia nhiều lần uống trong ngày.
(2) Tiểu tiện ra huyết: Mộc thông, ngưu tất, sinh địa, thiên môn đông, hoằng bá, cam thảo - mỗi vị 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày.
Chú thích:
Tại Việt Nam, nhiều nơi như ở Hà Sơn Bình, người ta khai thác gỗ đẽo vỏ, phơi khô một cây khác với tên mộc thông hay dây ruột gà (Clematis sinensis Osbeck) thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae) Trung Quốc lại dùng vị này với tên uy linh tiên.
Mộc thông (uy linh tiên) - Clematis sinensis
Cây này nhiều cành, hơi thành gỗ. Lá kép thường có 5 lá chét, cuống dài bằng lá chét. Lá chét nhẵn hoặc ít lông hình trứng nhọn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, có lá bắc từ 1-3 thùy khá phát triển. Quả bế hình trứng dẹt, nhiều lông, mang một cán dài gấp 4 lần quả, có rất nhiều lông.
Nhân dân ta dùng thân và rễ thái mỏng, sao vàng sắc uống cho dễ tiêu, thông tiểu và lợi sữa.
Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.
Theo Viện nghiên cứu y học Bắc Kinh thì loại uy linh tiên Trung Quốc có chứa một chất saponin.
Ngoài cây nói trên, trong nhân dân còn dùng một cây nữa cũng mang tên mộc thông, tên khoa học là Clematia vitalba L. cùng họ, mọc ở miền Bắc nước ta. Toàn cây có mùi hắc, nóng. Lá tươi giã đắp lên da gây đỏ phồng. Phơi khô hay sao khô thì mất tính chất này. Có khi người ta dùng lẫn với cây trên, nhưng nguy hiểm.
Chưa có tài liệu nghiên cứu về cây này.
Một cây khác nữa được khai thác với tên mộc thông còn có tên nữa là dây khố rách - Iodes ovalis Blume var. vitiginea (uy linh tiên) (Hance) Gagnep, thuộc họ Mộc thông (Phytocrenaceae). Đây là một loại dây leo bằng tua cuốn, có lông mịn màu vàng nâu. Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mặt dưới có lông. Hoa màu xanh vàng nhạt, mọc thành chùm thùy ở kẽ lá gồm hoa đực và hoa cái. Quả có lông mịn màu vàng nâu. Mùa hoa tháng 5-6, mùa quả tháng 7-8. Cây mọc hoang dại ở khắp những tỉnh có rừng núi. Người ta dùng thân, rễ và lá thu hái gần như quanh năm. Rễ thân rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô dùng chữa phù thũng, tiểu tiện khó khăn, thiếu sữa, kinh nguyệt bế. Ngày dùng 6-12g dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Lá và thân còn được dùng nấu nước tắm cho phụ nữ mới sinh nở cho mạnh, khỏe. Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.