MẮC NƯA - 柿油樹

Còn gọi là mặc nưa, mac leua (Cămpuchia).

Tên khoa học Diospyros mollis Griff.

Thuộc họ Thị (Ebenaceae).

mắc nưa, 柿油樹, mặc nưa, mac leua, Diospyros mollis Griff, họ Thị, Ebenaceae

Mắc nưa - Diospyros mollis

A. MÔ TẢ CÂY

Mắc nưa là một cây cao 10-20m có cành và những bộ phận khác của cây, lúc đầu có lông, sau không có lông. Lá mọc so le, hình trứng dài, nguyên, mặt dưới mờ, mặt trên nhẵn, phiến lá dài 5,5-13cm rộng 5,5-7cm cuống có lông dài 3-6mm.

Hoa đơn tính, nhỏ, màu vàng nhạt, hoa đực mọc thành xim ngắn, có lông, mang ít hoa, từ 1-3 hoa, hoa cái mọc đơn độc ở nách lá. Quả hình cầu, đường kính 20-30mm, nặng khoảng 8-12g, mỗi quả chứa 3-6 hạt, vỏ lúc còn nhỏ màu xanh tươi, sau ngả vàng xanh hay vàng hồng. Một cây mắc nưa cho khoảng 100-500kg quả mỗi năm.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Mắc nưa được trồng chủ yếu ở miền Nam nước ta, nhiều nhất vùng Tân Châu, còn thấy trồng ở Cămpuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện. Từ Quảng Bình trở vào có một cây rất gần mang tên cây mun-Diospyros mun H. Lec. cùng họ cũng được khai thác như mắc nưa với cùng một công dụng.

Mắc nưa cũng như cây mun chủ yếu được trồng để lấy gỗ và lấy quả làm thuốc nhuộm màu đen. Quả có thể dùng tươi hay khô, nhưng chủ yếu là tươi.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong quả mắc nưa có hợp chất hydroquinon, tanin (khoảng 10% tanin catechic), hợp chất sterolic, axit hữu cơ, men invectin và men emunsin, không có men oxydaza, cũng không có ancaloit và flavon.

Trong môi trường axit, Nguyễn Bá Tước đã dùng ête chiết được từ quả mắc nưa một chất hydroquinon, kết tinh hình kim trắng nhạt trong cồn 30o, độ chảy 250-251o, không tan torng nước, tan trong các dung môi hữu cơ (trừ trong ête dầu hỏa). Dưới tia ngoại tím cho huỳnh quang màu xanh tím. Công thức thô được xác định là C12H12O2. Nguyễn Bá Tước đã đề nghị gọi chất này là diospyroquinon có những hằng số và tính chất khác với những dẫn suất dimetyl paranaphtoquinon đã biết. Dẫn xuất axetyl của diospyron kết tinh trong cồn 80o dưới dạng khối trắng nhạt, độ chảy 218o.

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Nguyễn Bá Tước đã nghiên cứu và thấy kết quả mắc nưa ít độc, và có tác dụng trừ giun đúng như kinh nghiệm nhân dân vẫn dùng.

Những thí nghiệm còn chứng minh rằng tác dụng trừ giun này do chất diospyron.

Ngoài ra mắc nưa còn có tác dụng kháng sinh nhẹ.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Mắc nưa cũng như cây mun chủ yếu cho gỗ màu đen cứng và bền dùng làm đồ mỹ nghệ và đóng các đồ gỗ quý.

Quả dùng để nhuộm đen. Trước đây nhân dân thường chỉ dùng nhuộm tơ lụa và lĩnh, nhưng từ khi có hàng nylon, mắc nưa còn dùng nhuộm cả hàng nylon, và đạt một kết quả không ngờ là hàng nylon, nhuộm mắc mưa mặc mát như hàng bông, và sợi nylon từ không cháy trở thành cháy được.

Hạt mắc nưa được sử dụng làm thuốc trừ giun. Ngày cho ăn 6-10 hạt.