HOÀNG LIÊN Ô RÔ - 闊葉十大功勞 (阔叶十大功劳)

Còn gọi là thập đại công lao (Trung Quốc).

Tên khoa học Mahonia bealii Carr.

Thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidaceae).

hoàng liên ô rô, 闊葉十大功勞, 阔叶十大功劳, thập đại công lao, Mahonia bealii Carr, họ Hoàng liên gai, Berberidaceae

Hoàng liên ô rô - Mahonia bealii

A. MÔ TẢ CÂY

Cây nhỏ cao 3-4m, cành không có gai. Lá kép dìa lẻ, dài 30cm có 2 gai nhỏ ở phía cuống lá, 5-7 lá chét hình trứng. Hoàng liên ô rô (hình vẽ minh họa trên) đầu nhọn sắc, phía cuống tròn, dài 6-10cm, rộng 20-45mm, mỗi bên 3-8 răng sắc ngắn dài 3-6mm. Cụm hoa tận cùng mọc thành bông, phân cành ở phía dưới, nhiều hoa. Lá bắc hai lần ngắn hơn cuống hoa phụ. Hoa màu vàng nhạt. Lá đài 9 xếp thành 3 lớp, mỗi lớp 3. Cánh tràng 6. Nhị 6. Bầu hình nón, phình ở giữa. Quả mọng màu xanh hình cầu.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Năm 1967, cây này mới được đoàn điều tra dược liệu của tỉnh Lào Cai, do Trường đại học Dược khoa giúp về chuyên môn phát hiện lần đầu tiên ở vùng núi cao huyện Bát Xát. Nhân dân ở đây vẫn dùng như vị hoàng liên hay hoàng bá. Tên hoàng liên ô rô chúng tôi đặt cho vì lá giống cây ô rô, tác dụng như hoàng liên. Thường hái thân về, thái thành từng đoạn ngắn phơi khô, hoặc sắc uống hay tán bột uống. Không có chế biến gì khác.

Theo tài liệu cũ, chỉ nói thấy phát hiện ở miền Nam, vùng cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng), và được xác định tên khoa học là Mahonia annamica Gagne. cùng họ.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong thân cây hoàng liên ô rô có từ 0,35-2,5% becberin.

Trong một loài hoàng liên ô rô Mahonia fortunei (Fort.) Carr. có khoảng 0,3% ancaloit, trong đó chủ yếu là becberin, panmatin, jatrorrhizin, magnoflorin, oxyacanthin, và becbamin (Dược học tạp chí, 1952, 72, 773).

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Hoàng liên ô rô được nhân dân dùng chữa lỵ, ăn uống không tiêu, vàng da, đau mắt. Dùng ngoài chữa mẩn ngứa mụn nhọt. Mỗi ngày dùng 4-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Chú thích: Cây này tại địa phương thường không có tên, hoặc được nhân dân gọi là cây hoàng liên, thổ hoàng liên hay thổ hoàng bá, .v.v. Để tránh nhầm lẫn và vì lá của cây này giống lá ô rô lại có công dụng gần như vị hoàng liên cho nên từ năm 1967, chúng tôi mới đặt tên cây này là hoàng liên ô rô. Tại Trung Quốc cây này có tên thập đại công lao.