Viêm mũi mạn tính 03/01/2012 8:44:37 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Mũi cháu dạo này tự nhiên bị ngạt, sáng ra ngủ dậy thì người gai gai sốt. Cháu lấy thuốc nhỏ mũi thì hết ngạt. Nhưng không nhỏ nữa thì buồn mũi lắm, cháu cứ phải lấy tay dụi mũi cho đỡ buồn. Cháu xin hỏi "Thuốc vườn nhà" là mũi cháu bị làm sao? Có thể cho cháu biết là có bài thuốc nào chữa được bệnh này ạ?

Nguyễn Thanh Nga, ...@gmail.com

Đáp:

tía tô

Nhiều khả năng bạn mắc bệnh viêm mũi mạn tính. Muốn dùng thuốc chữa có hiệu quả, bạn cần tìm đến một phòng khám Đông y có uy tín để được các thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.

"Thuốc vườn nhà" xin cung cấp một số thông tin để bạn tham khảo:

Biểu hiện đặc trưng nhất của viêm mũi mạn tính là tắc mũi. Khi mắc phải bệnh này, mũi thường chảy nước và mũi tắc từng lúc, nằm nghiêng về bên nào tắc bên ấy, nên trong Đông y thường gọi là "tỵ trất" (tỵ = mũi, trất = bế tắc, không thông). Nếu thời tiết và khí hậu bình thường thì bệnh nhân vẫn ngửi tốt.

Do tắc mũi nên có những hậu quả kèm theo như ngáy to, nói giọng mũi, hắt hơi, khô cổ, nhức đầu, ... nếu không phòng trị kịp thời bệnh sẽ ngày một tăng dần, mũi tắc liên tục, khụt khịt, chảy nước mũi đặc có mùi hôi, ngửi kém dần, niêm mạc mũi quá phát và có những nơi thoái hóa, vùng trán trướng đau, ... Đông y gọi đó là "Tỵ uyên" hoặc "Não lậu".

Để tiến hành điều trị bằng thuốc Nam, cần căn cứ vào chứng trạng cụ thể để nhận biết "thể bệnh", trên cơ sở đó chọn dùng vị thuốc, bài thuốc phù hợp.

Các thể bệnh thường gặp:

1. Thể phong hàn:

- Biểu hiện: Mũi thường chảy nước trong, mũi hay tắc, lúc phát mạnh có thể dẫn tới đầu đau trướng; gặp mưa hoặc lạnh bệnh tăng thêm; rêu lưỡu trắng; mạch nhỏ yếu (nhu tế).

- Phép chữa: Tuyên phế thông khiếu, sơ phong tán hàn.

- Bài thuốc thường dùng:

    Bài 1: Tân di 6g, tía tô 9g, gừng 5 lát, hành 3 củ; tất cả đem sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày; uống liên tục trong 5 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày rồi lại bắt đầu liệu trình khác.

    Bài 2: Trứng gà 2 quả, tân di 6g; đem trứng gà luộc với tân di, khi chín bóc trứng ăn và uống nước thuốc; liên tục trong 5 ngày, nghỉ 3 ngày rồi lại bắt đầu liệu trình khác.

2. Thể  phong nhiệt:

- Biểu hiện: Mũi tắc liên tục, chảy nước mũi đặc, đầu trướng đau, tai ù, phiền táo; rêu lưỡi vàng, mạch nhanh.

- Phép chữa: Thanh nhiệt tán phong, tuyên phế thông khiếu.

- Bài thuốc thường dùng:

    Bài 1: Lá dâu 9g, hoa cúc 6g, hạnh nhân 9g, gạo tẻ 60g; lá dâu và hoa cúc sắc kỹ, chắt lấy nước, cho hạnh nhân và gạo vào nấu cháo, chia ra ăn trong ngày; dùng mỗi ngày thang, liên tục trong nhiều ngày.

    Bài 2: Tổ ong 30g; sau khi vắt hết mật, lấy sáp cho vào miệng nhai, nuốt dần; mỗi ngày hoặc cách ngày ăn 1 lần; liên tục trong 5-6 ngày (1 liệu trình).

3. Thể âm hư:

- Biểu hiện: Mũi tắc liên tục, nước mũi có nhiều vảy, mũi dễ xuất huyết, miệng đắng, hơi thở hôi, phiền táo khó ngủ; chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, mạnh nhỏ nhanh.

- Phép chữa: Dưỡng âm thanh nhiệt.

- Bài thuốc thường dùng:

    Bài 1: Mai rùa 15g, thục địa 9g, vỏ quít 6g, mật ong tùy thích; đem 3 vị đầu sắc kỹ, chắt lấy nước, pha thêm chút mật ong vào uống; mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 7-10 ngày (1 liệu trình).

    Bài 2: Dầu vừng 30g, hoàng liên 3g. Đem hoàng liên ngâm trong dầu vừng, sau 1 tuần có thể dùng dầu đó để nhỏ mũi; mỗi ngày nhỏ 3-5 lần, mỗi lần vài giọt; liên tục cho đến khi khỏi.

Lương y HƯ ĐAN