Viêm da tiết bã cần biện chứng luận trị 18/11/2015 8:05:37 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Con trai tôi 21 tuổi, bị viêm da tiết bã đã 4 năm. Đã uống Phụ bì khang, thuốc 102 Trần Hưng Đạo, đơn của L/y B. trên Khoa học và Đời sống, nhưng không khỏi. Tôi rất lo lắng và mong "Thuốc vườn nhà" nhờ Lương y Hư Đan sưu tầm giúp một bài thuốc hiệu quả. Tôi xin trân trọng cảm trước.

Lê Sĩ Bình, Ngô Quyền, Hải Phòng

Đáp:

trắc bách diệp

"Viêm da tiết bã nhờn" (seborrhoeic dermatitis) là một dạng viêm da mạn tính, thường phát sinh ở những vị trí có nhiều bã nhờn, như đầu, trán, má, cổ, ngực, lưng, nách và quanh cơ quan sinh dục. Khởi đầu, quanh lỗ chân lông xuất hiện những nốt sẩn đỏ nhỏ li ti, lan rộng dần và hợp thành những mảng ban đỏ, trên mặt có phủ lớp vẩy nhỏ.

Khi bệnh ở trên đầu, thường kèm theo ngứa, tóc rụng, có khi tóc rụng từng mảng, nhất là ở đỉnh đầu, nói chung là rụng tóc vĩnh cửu. Nếu bệnh phát sinh ở chỗ nhiều nếp nhăn, thường kèm theo loét, thẩm dịch, đóng vẩy, nứt da; có thể kèm theo viêm nang lông, mụn trứng cá thường hoặc trứng cá đỏ.

Viêm da bã nhờn đã được Đông y đề cập trong phạm vi của chứng "bạch tiết phong" từ nhiều thế kỷ trước.

Theo Đông y, nguyên nhân gây nên "bạch tiết phong" có thể do ăn uống không điều độ, khiến cho thấp nhiệt ứ đọng trong cơ thể, hoặc do phong nhiệt táo tà xâm phạm vào cơ thể mà gây nên bệnh. Bệnh kéo dài lâu ngày, thường khiến cho phần âm của hai tạng phế và thận bị hư tổn (phế thận âm hư).

Để chữa trị, trong giai đoạn đầu chủ yếu cần sử dụng những vị thuốc có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt và lợi thấp; trường hợp bệnh lâu ngày, cần phối hợp thêm những vị thuốc có tác dụng dưỡng âm nhuận táo, tư bổ phế thận.

Không có bài thuốc nào có thể chữa khỏi "bạch tiết phong" cho tất cả mọi người. Vì Đông y là nền y học "cá thể hóa" - sử dụng thuốc theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị". Cụ thể là, trước khi dùng thuốc phải tiến hành chẩn bệnh; tiếp đó căn cứ bệnh tình, đặc điểm thể chất (cơ địa), tuổi tác, giới tính, ... của từng người bệnh cụ thể, mà tìm ra phép chữa, bài thuốc, thích hợp.

Thay vì sưu tầm hoặc dùng thử những bài thuốc kinh nghiệm hoặc gia truyền do mách bảo hoặc giới thiệu trên báo, bác nên đưa cháu đến phòng khám Đông y có uy tín. Để được tiến hành biện chứng luận trị theo bài bản. Hải Phòng là thành phố lớn, ắt phải có những thầy thuốc giỏi.

Trước mắt, bác có thể cho cháu dùng loại thuốc bôi, rửa bên ngoài, từ những một số cây thuốc sẵn có trong vườn nhà như sau:

    (1) Dùng ngải cứu 100-200g, thêm nước, sắc lấy nước đặc, rửa những chỗ da bị bệnh, ngày 1 lần.

    (2) Lá trắc bách diệp tươi 60g, ngâm trong 200ml cồn 60% (hoặc rượu trắng trên 40 độ) ít nhất 7 ngày; dùng rượu thuốc bôi lên những chỗ da bị bệnh. Có tác dụng chống ngứa, đồng thời chống rụng tóc, kích thích tóc phát triển nhanh hơn. Dùng chữa viêm da tiết bã gây rụng tóc hiệu quả khá tốt.

    (3) Dùng toàn cây rau má ngọ 100-150g, rửa sạch, giã vắt lấy nước, thêm chút băng phiến vào trộn đều, dùng bông thấm nước thuốc, chấm và xát nhẹ lên những chỗ da bị tổn thương, ngày 3-4 lần (băng phiến cần mua ở hiệu thuốc Đông Nam dược, không phải là băng phiến bán ở các cửa hàng tạp hóa). Hoặc dùng toàn cây rau má ngọ 100g, lá thông đươi ngựa hoặc lá phi lao 30g; rửa sạch, sắc lấy nước, cách một ngày gội đầu một lần; có tác dụng chữa viêm da bã nhờn, gây rụng tóc.


Lương y HƯ ĐAN