Thuốc uống trong phòng ngừa nám da 31/10/2012 8:56:27 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi là bạn đọc thường xuyên của thuocvuonnha.com, năm nay tuổi đã gần 40. Từ mùa hè năm ngoái, trên mặt tôi bắt đầu xuất hiện hai vết nám đối xứng ở trên má. Vết nám chỉ mờ mờ, nhìn kỹ mới thấy rõ; tôi đã bôi, đắp thử khá nhiều loại thảo dược được giới thiệu, nhưng đều không thấy giảm. Vì vậy rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ dẫn cho biết, còn có cách nào khác, có thể khắc phục được nám da hay không?

Trần Thị Anh Thơ, Hà Nôi

Đáp:

hồng hoa

Thuốc bôi ngoài, dù là thảo dược hay hóa mỹ phẩm, thường chỉ có tác dụng tốt đối với những trường hợp da bị nám do tác nhân bên ngoài, như hóa chất, ánh nắng mặt trời, một số bệnh ngoài da, ... Trường hợp của bạn, là nám da ở phụ nữ độ tuổi trung niên, do khí huyết bắt đầu suy yếu và hoạt động của tạng phủ bắt đầu trục trặc. Nói cách khác, trường hợp của bạn là nám da do nguyên nhân bên trong. Muốn khắc phục, cần sử dụng loại thuốc uống trong.

Xin giới thiệu với bạn một số các bài thuốc uống thường dùng phòng trị nám da:

    (1) Bài thuốc 1: Đảng sâm 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 10g, sơn dược 15g, bạch biển đậu 12g, phục linh 12g, hoàng bá 10g, hoàng cầm 10g, trạch tả 10g, hoạt thạch 8g, cam thảo 3g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 450ml; chia thành 3 phần uống trong ngày (sáng, chiều, tối); uống liền 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 4-5 ngày lại uống tiếp 1 liệu trình khác; liên tục như vậy cho đến khi khỏi.

        * Tác dụng: Cải thiện chức năng tiêu hóa, chống ứ trệ. Dùng chữa nám da do chức năng vận hóa của tỳ vị suy yếu, khiến "thấp trọc" (sản vật bệnh lý) ứ đọng trong kinh mạch, cản trở sự lưu thông của khí huyết, mà gây nên hiện tượng nám da. Kèm theo những biểu hiện như sắc mặt kém tươi, da nhợt nhạt, ngực bụng trướng đầy, ăn khó tiêu, tinh thần uể oải, người mệt mỏi; hành kinh đau bụng; đại tiện lỏng hoặc táo, tiểu tiện đỏ; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi vàng mỏng.

    (2) Bài thuốc 2: Sinh địa 15g, thục địa 15g, huyền sâm 10g, thiên hoa phấn 10g, tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, quy bản (nướng) 10g, cát cánh 8g, hạnh nhân 8g; sắc và uống như Bài thuốc 1.

        * Tác dụng: Bổ âm dưỡng huyết. Dùng chữa nám da do âm huyết suy tổn, hỏa nhiệt bốc lên trên hun đốt da mặt, khiến hắc sắc tố tích đọng lại, gây nên nám da. Thường kèm theo những biểu hiện như miệng khô họng háo, buổi chiều hay có cơn bốc hỏa hoặc sốt cơn; kinh trồi (vòng kinh ngắn), kinh huyết nhiều, sắc đỏ tươi; đại tiện táo, tiểu tiện đỏ; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít.

    (3) Bài thuốc 3: Hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, sinh địa 12g, xích thược 8g, đào nhân 8g, hồng hoa 5g, sài hồ 9g, chi tử 9g, cúc hoa 9g; sắc và uống như Bài thuốc 1.

        * Tác dụng: Hoạt huyết hóa ứ. Dùng chữa nám da do huyết ứ. Với những biểu hiện như vết nám có màu thẫm, kèm theo đau nhức hoặc tê dại ở một số vị trí cố định, đầu chi (ngón chân, ngón tay) tím tái, miệng khô khát nhưng ngậm nước mà không muốn nuốt, hành kinh đau đầu hoặc đau bụng, chất lưỡi tím tái hoặc có điểm ứ huyết.

Bạn có thể áp dụng thử, một trong số các bài thuốc nói trên, nếu thấy có triệu chứng phù hợp. Tuy nhiên, việc chữa trị nên được tiến hành dưới sự giám sát của thầy thuốc Đông y có kinh nghiệm.

Lương y HƯ ĐAN