Thuốc thanh nhiệt giải độc giống như kháng sinh? 28/07/2014 9:20:58 SA
Thuốc vườn nhà

Thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y truyền thống là một loại vũ khí quan trọng, trong trị liệu các bệnh nhiễm trùng. Thực tế lâm sàng cho thấy, một số trường hợp bị viêm nhiễm nghiêm trọng, do vi khuẩn hoặc virus gây nên, không thể khống chế bằng các loại thuốc kháng sinh hiện đại, thế nhưng sau khi sử dụng thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y, đã mang lại kết quả rất tốt.

thanh nhiệt giải độc

Trước sự thực đó, một số người đã cho rằng, thuốc thanh nhiệt giải độc, nhiều khả năng là một loại thuốc kháng sinh có sẵn trong thiên nhiên. Thế là, người ta bắt đầu tiến hành chiết xuất từ các vị thuốc thanh nhiệt giải độc, những thành phần có tác dụng diệt khuẩn, với hy vọng sẽ tìm ra những loại thuốc kháng sinh mới, có tác dụng kháng vi khuẩn, virus mạnh hơn.

Với hy vọng tìm ra được loại thuốc kháng khuẩn hữu hiệu hơn, suốt những năm qua, các nhà khoa học, ở nhiều nước trên thế giới, đã tiến hành nhiều loại nghiên cứu, đối với các vị thuốc và phương thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y truyền thống. Thế nhưng, kết quả thu được lại không như mong muốn.

Một vài ví dụ cụ thể:

    - Hai phương thuốc Đông y truyền thống thường dùng để chữa trị các bệnh nhiễm trùng là "Ngân kiều tán" và "Phổ tế tiêu độc ẩm" không có tác dụng kháng khuẩn. Đó là kết luận đã đăng tải trên tạp chí "Trung thành dược nghiên cứu" số [12]:39,1986.

    - Sau khi thử nghiệm sử dụng các vị thuốc thanh nhiệt giải độc và thanh can lợi đởm, để lập ra các phương thuốc, đặt tên là "Ất can thang" (nghĩa là "thang thuốc chữa viêm gan B") và "Ất can" (nghĩa là "viêm gan B"), các nhà khoa học đã đi đến kết  luận "... Không chỉ kháng nguyên bề mặt HBsAg không chuyển sang âm tính, mà ở khá nhiều bệnh nhân còn có những biểu hiện của chứng bệnh "Tỳ hư Can uất", như da mặt vàng sạm, tinh thần uể oải, tứ chi vô lực, mạng sườn phải đau âm ỉ, tâm trạng u uất, kém ăn, khó tiêu, bụng trướng, ỉa lỏng, mạch hoãn, lưỡi nhớt" (Theo "Quốc y luận đàn" số [4]: 35, 1986).

    - Thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y "không có khả năng ức chế vi khuẩn và phạm vi tác dụng không thể so sánh với thuốc kháng sinh" (Theo "Bắc Kinh Trung y" số [1]: 43, 1983).

Chuyện gì đã xảy ra? Sự việc cần phải lý giải như thế nào?

Như chúng ta biết, tác dụng kháng khuẩn của thuốc kháng sinh được xác định qua tác dụng trực tiếp đối với vi khuẩn. Nếu như tác dụng của thuốc đối với một loại vi khuẩn đã được chứng minh qua thí nghiệm trong môi trường nuôi cấy, thì khi sử dụng để điều trị căn bệnh do loại vi khuẩn đó gây nên sẽ có hiệu quả.

Thế nhưng, mục tiêu tác dụng của thuốc thanh nhiệt giải độc trong Đông y truyền thống lại là "chứng" (còn gọi là "chứng hậu"), chứ không phải tác nhân gây nên "chứng" đó.

Trong trường hợp này tác nhân gây bệnh là vi khuẩn (hoặc virus). Thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y thường không có tác dụng trực tiếp đối với vi khuẩn, mà tác dụng gián tiếp thông qua "chứng", tức thông qua tác dụng điều tiết đối với cơ thể người.

Như chúng ta biết, "chứng" là tập hợp những phản ứng và biểu hiện của cơ thể, đối với những tác nhân gây bệnh (ở đây chủ yếu là vi khuẩn, virus). Do sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, đặc điểm thể chất, ... nên cùng một loại vi khuẩn (hoặc virus) có thể gây nên loại bệnh có tính nhiệt ở người này, mà đồng thời cũng có thể gây nên loại bệnh có tính hàn ở một người khác. Điều này cho ta thấy, sự khác biệt của "chứng" phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố, chứ không đơn thuần do tác nhân gây bệnh, vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, quyết định.

Thuốc thanh nhiệt giải độc, nói chung là loại thuốc có tính khổ hàn (đắng lạnh). Khi sử dụng cần tuân theo quy tắc "nhiệt giả hàn chi" và "hàn giả nhiệt chi", nghĩa là dùng thuốc có tính hàn để chữa chứng nhiệt và dùng thuốc có tính nhiệt để chữa chứng hàn.

Nói chung, đối với các chứng bệnh nhiệt, chỉ cần biện chứng và xử phương một cách thích đáng, sử dụng thuốc thanh nhiệt giải độc nói chung đều có thể thu được kết quả mong muốn.

Thế nhưng nếu lại sử dụng thuốc thanh nhiệt, để chữa chứng hàn, thì sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng, chẳng khác gì "tuyết thượng gia sương" (đã bị rét vì tuyết lại giá vì sương).

Thí dụ, đối với chứng "tràng ung" (tương ứng với chứng viêm ruột thừa trong Tây y), nếu ở bệnh nhân có những biểu hiện của chứng "thực nhiệt", sử dụng các vị thuốc thanh nhiệt giải độc như đại hoàng, hồng đằng, liên kiều, kim ngân, qua lâu nhân, ... nói chung đều thu được kết quả khả quan. Nhưng đối với những bệnh nhân có những biểu hiện của chứng "hư hàn", sẽ không có tác dụng kháng viêm, ngược lại còn khiến bệnh càng thêm trầm trọng.

Đối với một số chứng bệnh nhiễm trùng, thuốc thanh nhiệt giải độc có tác dụng tương tự như thuốc kháng sinh, nhưng cơ chế tác dụng của thuốc thanh nhiệt giải độc và cơ chế tác dụng của thuốc kháng sinh không giống nhau.

Thuốc thanh nhiệt giải độc ít khi có tác dụng trực tiếp đối với vi khuẩn mà thường là giáp tiếp thông qua sự tạo ra môi trường mà vi khuẩn, virus không thể phát triển. Hơn nữa, ngoài tác dụng kháng khuẩn, thuốc thanh nhiệt giải độc còn có một số tác dụng khác, như thanh nhiệt, giải độc, trấn thống, giãn rộng huyết quản, tăng cường chức năng miễn dịch, ...

Hiệu quả trị liệu của thuốc thanh nhiệt giải độc đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, đã mở ra cho khoa học một hướng mới: Tìm kiếm các chất kháng khuẩn, trên cơ sở phân ly các thành phần hữu hiệu từ thuốc thanh nhiệt giải độc.

Tuy nhiên, khi sử dụng  trên lâm sàng, nếu coi nhẹ lý luận của Đông y, chỉ tiến hành nghiên cứu theo quan điểm của Tây y, sẽ không thể tránh khỏi hạn chế.

Ví dụ điển hình:

    Hoàng liên là vị thuốc được Đông y sử dụng rất rộng rãi, trong điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng từ thời xa xưa. Vài chục năm trước, berberine - một chất chiết xuất từ hoàng liên, được xem như thành phần có tác dụng kháng khuẩn có trong hoàng liên.

    Thế nhưng, khi thử nghiệm sử dụng berberine tinh khiết để chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn, thì tác dụng lại rất hạn chế: Ngoài tác dụng đối với một số chứng nhiễm khuẩn đường ruột, berberine ít có tác dụng đối với các chứng viêm đường hô hấp, viêm da, ... Phạm vi tác dụng của berberine hẹp hơn rất nhiều, so với hoàng liên ở dạng tự nhiên.

    Như vậy, berberine chỉ là một trong số các thành phần hữu hiệu có trong hoàng liên. Hơn nữa, môi trường trong cơ thể và môi trường nuôi cấy nhân tạo hoàn toàn khác nhau.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy: Một số chất chiết xuất không có tác dụng kháng khuẩn trong môi trường nuôi cấy nhân tạo, nhưng khi sử dụng trong cơ thể người thì lại có tác dụng kháng khuẩn.


Tóm lại, thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y truyền thống, tuy có tác dụng kháng khuẩn nhất định, nhưng tác dụng của nó không đồng nhất với thuốc kháng sinh. Khi sử dụng thuốc thanh nhiệt giải độc trên lâm sàng, cần tuân theo nguyên tắc biện chứng luận trị của Đông y học, cần căn cứ vào sự khác biệt của bệnh tình mà gia giảm các vị thuốc một cách hợp lý, chứ không chỉ đơn thuần tính đến tác nhân gây bệnh. Ngược lại, nếu sử dụng thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y truyền thống, theo quan điểm dùng thuốc kháng sinh của Tây y, thường không thể có được hiệu quả mong muốn.


Lương y THÁI HƯ