Thuốc Nam chữa viêm họng đỏ 05/12/2015 6:35:41 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Trong các tháng mùa Đông, các cháu bé nhà tôi hay bị viêm họng đỏ. Do dùng nhiều kháng sinh, có lẽ các cháu đã nhờn thuốc nên rất hay tái phát, gầy yếu và hay bị rối loạn tiêu hóa. Rất mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho một số bài thuốc Nam dễ tìm dễ kiếm, có tác dụng chữa viêm họng đỏ, để chúng tôi có thể áp dụng chữa cho các cháu.

Lê Thị Tâm, Thái Nguyên

Đáp:

bồ công anh

Bồ công anh

Vào những tháng mùa Đông, nhất là trong những ngày thời tiết rét hại, các cháu nhỏ cơ thể vốn đã suy yếu, rất hay bị đau họng, khó nuốt, ho, kèm theo sốt, ... Nhìn vào thấy họng tấy đỏ, nên người ta thường gọi đó là "viêm họng đỏ". Trên thực tế, đó thường là những bệnh lý ở amiđan.

Nói tới amiđan, người ta thường nghĩ ngay đến 2 hạch bạch huyết (lymphô) hình hạnh nhân, nằm ở 2 mặt bên họng, mà khi há to miệng có thể nhìn thấy.

Thực ra, amiđan là tên chung, chỉ các tổ chức tế bào bạch huyết ở vùng họng. Các tổ chức bạch huyết đó tạo thành một vành đai phòng vệ, gọi là "Vòng bạch huyết quanh hầu" hay "Vòng Waldeyer", bao gồm 4 tổ chức:

    1. Amiđan khẩu cái: Lớn nhất, há to miệng có thể nhìn thấy, hay được nhắc đến nhất, nên từ amiđan thường được dùng để chỉ tổ chức tế bào bạch huyết này;

    2. Amiđan họng: Là khối tế bào bạch huyết, nằm trong lớp dưới của niêm mạc ở nóc vòm họng và thành sau của vòm mũi họng. Khi tổ chức này bị viêm và quá phát, thì gọi là "viêm V.A." (viết tắt của 2 chữ tiếng Pháp Végétation Adénoide); một số tài liệu còn gọi là "viêm sùi vòm", "viêm họng mũi", "viêm amiđan vòm";

    3. Amiđan lưỡi: Nằm ở phía trong cùng (đáy) của lưỡi;

    4. Amiđan vòi: Nằm ở 2 thành bên của mũi hầu (nasopharynx), ở giữa có lỗ vòi tai (Eustache), nối liền mũi hầu với tai giữa. Khi amiđan vòi bị viêm dễ gây ù tai, dẫn tới viêm tai giữa.

Amiđan khẩu cái và Amiđan họng (V.A.) nằm ở "nút giao thông", giữa các đường ăn và đường thở, là nơi tiếp xúc đầu tiên với các loại vi khuẩn, virus và các chất kháng nguyên có mặt trong thức ăn, không khí khi hít vào, do đó nó rất dễ bị nhiễm khuẩn và phát sinh viêm.

"Viêm họng đỏ", trên thực tế thường là viêm amiđan khẩu cái hoặc viêm V.A.

Để chữa trị bằng thuốc Nam vườn nhà có hiệu quả, cần căn cứ vào chứng trạng cụ thể, để xác định "thể bệnh" và chọn dùng phép chữa, vị thuốc, bài thuốc thích hợp, theo các phương án sau:

1. Phong nhiệt ngoại xâm:

    - Biểu hiện: Ban đầu thấy đau họng, nuốt hơi đau, khi nuốt hoặc khi ho thì đau tăng lên, kèm theo phát sốt, sợ lạnh, ho, khạc ra đờm. Niêm mạc và amiđan sung huyết, chưa thành mủ. Rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác (nổi, nhanh).

    - Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt, giải độc lợi hầu.

    - Có thể sử dụng bài thuốc: Kinh giới 8g, kim ngân hoa 12g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ dâu) 15g, trúc diệp (lá tre) 12g, cát cánh 6g, cam thảo 6g; thêm 1000ml nước, sắc còn 600ml; chia 3 lần uống trong ngày, uống cách xa bữa ăn.

    - Hoặc sử dụng các Món ăn - Bài thuốc:

    (1) Củ cải 100g, trám trắng 20g, bồ công anh 15g; củ cải và bồ công anh thái nhỏ, trám đập vụn, bọc lại, sắc lấy nước, bỏ bã, cho thêm 30-40g gạo tẻ vào nấu thành cháo; chia ra 2 lần ăn trong ngày.

    (2) Củ cải 250g, trám trắng 10g, kim ngân hoa 20g; trám trắng và kim ngân hoa bọc lại, cùng với củ cải nấu thành món canh; ăn củ cải và uống nước canh.

2. Phế vị nhiệt thịnh:

    - Biểu hiện: Ngay từ đầu họng đã đau nhiều, khó nuốt, sốt, khát nước, đại tiện bí kết. Họng và amiđan tấy đỏ, sung huyết, mặt amiđan có chấm mủ hoặc điểm mưng mủ. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác (trơn, nhanh).

    - Phép chữa: Tả nhiệt giải độc, lợi hầu tiêu thũng.

    - Có thể sử dụng bài thuốc: Chi tử (dành dành) 10g, huyền sâm 12g, đại thanh diệp (lá cây bọ mẩy) 12g, sinh địa 12g, sinh thạch cao 30g (sắc trước), cát cánh 6g; đầu tiên, sắc thạch cao với 1200ml nước, sau 15-20 phút cho các vị thuốc còn lại vào nấu tiếp; sắc còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày, uống xa bữa ăn.

    - Hoặc sử dụng các Món ăn - Bài thuốc:

    (1) Bồ công anh 50g, sắc với nước 30 phút, chắt lấy nước, bỏ bã, thêm 30-40g gạo tẻ nấu cháo ăn trong ngày.

    (2) Mướp hương 300g, tỏi 6 nhánh, thanh đại 3g, muối ăn 3g; nấu thành món xào, ăn trong bữa cơm.


Lương y HƯ ĐAN