Thảo dược thiên nhiên chữa tàn nhang 04/11/2011 4:45:59 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Cháu mới 23 tuổi mà trên mặt nổi rất nhiều tàn nhang, có bài thuốc nào vừa uống trong vừa bôi ngoài trị rứt được tàn nhang không ạ? Bệnh nám má và tàn nhang có giống nhau không ạ?

Phạm T.Đ, Yên Hưng, Quảng Ninh

Đáp:

cà rốt, củ cà rốt, cây cà rốt

Cà rốt

Nám da và tàn nhang không giống như nhau. Nám da là một "bệnh ngoài da", chủ yếu do rối loạn nội tiết tố sinh dục nữ, hoặc do một số bệnh phụ khoa, bệnh mạn tính, thuốc tránh thai gây nên. Còn tàn nhang liên quan tới sự tăng sinh của chất sắc tố ở lớp đáy và trung bì, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vì vậy chỉ nên coi tàn nhang là một khuyết tật nhỏ về mặt thẩm mỹ, chớ nên quá lo lắng, bi quan.

Tàn nhang hay gặp ở những người có làn da trắng, mỏng mịn và có tính di truyền, tuổi càng cao các nốt tàn nhang càng sẫm màu hơn. Tàn nhang thường nổi rõ khi cơ thể gầy yếu và mờ đi khi béo khỏe. Tàn nhang còn chịu tác động của ánh nắng mặt trời, nổi rõ về mùa hè và có thể "lặn" đi hoàn toàn về mùa đông.

Để tàn nhang đỡ ảnh hưởng thẩm mỹ, chủ yếu cần tăng cường sức khỏe toàn thân và tránh nắng gắt. Khi cơ thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào và căng mượt, thì các nốt tàn nhan không còn hiện rõ. Tàn nhang rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, dưới tác động của tia cực tím những nốt tàn nhang sẽ trở nên sẫm mầu, vì vậy khi ra nắng cần đội mũ rộng vành và mặc áo dài tay để tránh nắng.

Để làm giảm tàn nhang, cũng có thể sử dụng một số loại thuốc thảo mộc uống trong và bôi ngoài như sau:

• Thuốc uống trong:

    (1) Bài thuốc 1:

        - Dùng khương hoạt 6g, phòng phong 6g, sinh địa 12g, đương quy 8g, xuyên khung 6g, hồng hoa 6g, sơn dược (củ mài) 12g, chi tử (dành dành) 8g, đông qua nhân (hạt bí đao) 8g; sắc nước uống trong ngày. Tất cả các vị thuốc trên đều có thể mua ở các cửa hàng Đông dược.

        - Tác dụng: Tán hỏa, giải độc, trị tàn nhang. Chuyên dùng chữa tàn nhang cho phụ nữ trẻ tuổi, nốt tàn nhang thẫm màu hơn về mùa hạ và nhạt bớt về mùa đông (Mỹ dung hộ phu bát pháp).

    (2) Bài thuốc 2:

        - Dùng thiên môn đông 1000g, thục địa hoàng 500g (có thể mua ở các cửa hàng Đông dược); 2 thứ đem xấy khô, tán thành bột mịn, trộn với mật ong làm thành viên cất vào lọ nút kín dùng dần; hàng ngày uống 2 lần với rượu loãng hoặc nước ấm vào lúc đói bụng, mỗi lần 15-20g. Đây là phương thuốc nổi tiếng có tên là "Đông địa mỹ dung cao", đã được đại danh y Lý Thời Trân của Trung Quốc ghi lại trong bộ sách "Bản thảo cương mục".

        - Tác dụng: Uống lâu ngày các nốt đen trên da biến mất, da mặt sẽ tươi như hoa đào. Tuy nhiên, người có vấn đề về phương diện tiêu hóa, đại tiện lỏng thì không nên dùng.

• Thuốc bôi ngoài:

    (1) Dùng cà rốt tươi thái nhỏ, giã nát, ép lấy nước cốt; hàng ngày, vào buổi tối trước khi đi ngủ, rửa sạch vùng da có tàn nhang bằng nước sạch, lấy nước ép cà rốt bôi đều lên mặt và những chỗ da có tàn nhang; chờ cho khô, dùng khăn tay tẩm dầu thực vật xát nhẹ lên, sáng dậy rửa sạch mặt bằng nước ấm.

    (2) Dùng hắc sửu (hạt bìm bìm đen) 100g; phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn; hàng ngày lấy lòng trắng 1 quả trứng gà tươi, trộn đều với 1 thìa cà phê bột hạt bìm bìm, bôi vào nơi bị tàn nhang, liên tục trong nhiều ngày, các nốt tàn nhang sẽ nhạt đi và dần dần biến mất.

    (3) Dùng bạch truật (có thể mua ở các cửa hàng Đông dược) 200g, giấm tốt 500ml; bạch truật thái thành lát mỏng, cho vào bình ngâm với giấm trong nửa tháng (muốn nhanh có thể tán bạch truật thành bột rồi ngâm trong giấm), hàng ngày lắc bình ngâm 1-2 lần, sau 7 ngày có thể dùng được; tối trước khi đi ngủ dùng bông thấm dung dịch giấm bôi lên chỗ da bị tàn nhang vài ba lần (khô lại bôi tiếp), bôi liên tục trong nhiều ngày các nốt tàn nhang sẽ dần dần biến mất.


Lương y HƯ ĐAN