Tác dụng của trứng ngỗng 02/11/2011 6:44:44 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Xin cho biết tác dụng chữa bệnh của trứng ngỗng. Gần đây, tôi thấy nhiều người khi mang thai thường mua trứng ngỗng về luộc ăn, nói rằng trứng ngỗng là thứ thuốc dưỡng thai rất tốt, không biết làm như vậy có đúng hay không? Xin nhờ "Thuốc vườn nhà" giải đáp giúp.

Nguyễn Thị Thêm và một số độc giả khác

Đáp:

trứng ngỗng, nga đản, nga noãn

Về mặt dinh dưỡng, trứng ngỗng gần giống trứng gà và trứng vịt. Lượng chất đạm (protein) trong trứng ngỗng hơi thấp hơn trứng gà nhưng cao hơn trứng vịt. Hàm lượng chất béo (lipid) trong trứng ngỗng tương đối cao; vì vậy, người bị bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch vành, cholesterol máu cao không nên dùng nhiều; khi đang sử dụng thuốc hạ huyết áp cũng không nên dùng.

Theo Đông y: Trứng ngỗng (nga đản, nga noãn) có vị ngọt, tính hơi ấm. Có tác dụng bổ trung ích khí (tăng cường chức năng tiêu hóa), có thể dùng chữa viêm thận mãn tính và viêm gan.

Cách dùng cụ thể để chữa chứng kém ăn, tinh thần mỏi mệt: Trứng ngỗng rán với dầu (hoặc mỡ ăn), mỗi ngày 1 quả, liên tục 5-7 ngày (Thực phẩm đích doanh dưỡng dữ thực liệu).

Nhưng sách Đông y cổ còn viết: "Đa thực phát cố tật" có nghĩa là ăn quá nhiều có thể khiến bệnh cũ tái phát.

Chúng tôi chưa thấy có tài liệu đáng tin cậy nói về tác dụng an thai của trứng ngỗng.

Chỉ thấy dùng vỏ trứng ngỗng để chữa nhọt bọc như sau: Vỏ trứng ngỗng thiêu tồn tính, trộn với giấm bôi vào chỗ bị bệnh.

Liên quan đến vấn đề thai sản, chỉ thấy nói dùng lông ngỗng để tuyệt dục như sau: Dùng những chiếc lông ngỗng khi nhổ ra có dính máu thiêu tồn tính, trộn với bách thảo sương (nhọ nồi, bồ hóng bếp - chỉ dùng loại nấu bằng củi) - 2 thứ liều lượng bằng nhau; nghiền thành bột mịn, uống sau khi sạch kinh, chiêu thuốc bằng rượu ấm (Thực trị bản thảo).


Lương y HƯ ĐAN