Tác dụng chữa bệnh của củ ráy 13/11/2011 1:07:55 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe nói có thể sử dụng củ ráy để chữa mẩn ngứa và tê thấp. Xin "Thuốc vườn nhà" cho biết cách sử dụng cụ thể như thế nào?

Tân Thành,TP. Huế

Đáp:

Trong Đông y thường dùng 2 loài ráy làm thuốc:

1. Thứ nhất là cây "ráy dại": Còn có tên là "dã vu", "hải vu", tên khoa học là Alocasia macrorhiza Schott.

cây ráy dại, ráy dại, dã vu, hải vu, Alocasia macrorhiza Schott.

    Ráy dại là một loại cây mềm cao 0,3-1,4m, có thể dài tới 5m nhưng phía dưới bò, trên đứng; dưới đất có thân rễ hình cầu sau phát triển dần thành củ dài, có nhiều đốt ngắn, trên đốt có vẩy màu nâu. Lá to hình tim dài 10-50cm, rộng 8-45cm, cuống mẫm dài 15-20cm. Bông mo mang hoa cái ở phía gốc, hoa đực ở phía trên. Phần dưới của mo tồn tại xung quanh các quả mọng, hình trứng màu đỏ. Người ta thường đào củ ở những cây 2 hay 3 năm trở lên. Đào về rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi khô hay dùng tươi. Khi chế biến thường bị ngứa tay, cần chú ý.

    • Tác dụng của ráy dại:

        - Củ ráy thường dùng để xát vào nơi bị lá han gây ngứa tấy, còn dùng làm thuốc chữa mụn nhọt, ghẻ, sưng bàn tay, bàn chân. Tại Quảng Tây (Trung Quốc) còn dùng uống chữa sốt rét, thũng độc, ngứa lở mà lông rụng hết (phong lại). Ngày uống 10-20g.

        - Cao dán mụn nhọt: Một củ ráy tươi nặng chừng 80-100g, nghệ một củ chừng 60g; củ ráy gọt sạch vỏ, giã nát nhừ cùng với nghệ, sau cho dầu vừng vào nấu nhừ, thêm dầu thông và sáp ong vào, khuấy cho tan; để nguội, phết lên giấy dán vào nơi mụn nhọt, nếu mới mọc thường tan, đã mọc rồi có tác dụng hút mủ.

2. Thứ hai là cây "ráy gai": Còn gọi là "chóc gai", "sơn thục", "cây cừa", "rau mác gai", "mớp gai"; tên khoa học là Lasia spinosa Thwaites.

ráy gai, chóc gai, sơn thục, cây cừa, rau mác gai, mớp gai, Lasia spinosa Thwaites.

    Ráy gai là cây loại nhỏ, thân rễ nằm ngang, có nhiều gai. Lá mọc thẳng từ thân rễ, cuống lá dài, có gai. Lá non hình mũi tên, lá già xe lông chim, mép nguyên. Cụm hoa là một bông mo mang hoa cái ở gốc, hoa đực ở trên. Quả mọng. Mùa hoa quả vào tháng 3-4. Người ta thường dùng thân rễ thu hái vào các mùa thu và mùa đông. Đào rễ về rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô. Có khi người ta ngâm với nước gừng, nước phèn trước khi phơi hay sấy khô.

    • Tác dụng của ráy gai:

        - Thường dùng để chữa ho, đau họng, phù thũng, tê thấp, suy gan, di chứng do sốt rét.

        - Ngày dùng 4-16g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Dùng riêng hay phối hợp với một số vị thuốc khác như nghệ, ...


Lương y HƯ ĐAN