Tác dụng chữa bệnh của con sam 16/10/2012 8:40:18 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe nói con sam là vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, những bộ phận nào của con sam có thể sử dụng làm thuốc, chữa được những bệnh gì và cách dùng cụ thể như thế nào?

Trần Ngọc Dinh, Yên Hưng, Quảng Ninh

Đáp:

con sam

Con sam là động vật sống ở vùng biển, ven bờ các vịnh, đầm nước mặn, có nhiều ở Quảng Ninh, Hải Phòng đến Khánh Hòa, Bình Thuận, ... Ở bờ biển nước ta, có 2 loài sam phổ biến nhất, đó là những con Tachypleus tridentatus và Carcinos corpius rotundicauda. Con sam thường sống ở độ sâu từ 4-10m, nhiệt độ môi trường thích hợp nhất đối với sam là từ 20-32 độ C; độ mặn khoảng từ 18-33%.

Cơ thể con sam gồm các phần: Đầu ngực, bụng và phần đuôi dài như bím tóc, con lớn có thể dài tới 70-90cm. Thức ăn chủ yếu của sam là động vật thân mềm, giun nhiều tơ, các loài tôm cua, và rong. Từ tháng 4 đến tháng 7 tháng 8, sam bơi vào bờ đẻ trứng, sau đó lại quay xuống biển. Sam đực và sam cái kéo nhau lên bãi thủy triều để hoạt động sinh dục. Khi giao phối, sam đực dùng hai đôi chân đầu tiên bám chặt vào lưng con cái, nên người ta thường ví "yêu nhau như vợ chồng sam".

Tại những vùng có sam sống hoang dại, ngư dân bắt được thường đập chết sam đực, còn sam cái thì lấy trứng ăn. Vỏ sam phơi khô mang về làm đồ chơi hay dùng để làm gáo tát nước trong thuyền.

Trên thực tế, tất cả các bộ phận của con sam đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng thông dụng nhất là mai sam và đuôi sam:

    - Mai sam hay vỏ sam: Có vị cay hơi mặn, tính bình, hơi có độc, có tác dụng sát trùng. Dùng chữa lở ngứa chảy nước, trĩ, ho, suyễn thở, đòn ngã tổn thương, các vết thương xuất huyết, bỏng. Sách "Dược tính chỉ nam" có ghi, chữa được các chứng ho, ho lâu ngày không khỏi, chứng trẻ nhỏ sài đẹn, khóc đêm. Dân gian còn dùng chữa cả lợn ốm không ăn cám: Chỉ cần đốt vỏ sam, lấy hơi xông cho lợn là khỏi.

    - Đuôi sam: Dùng chữa chứng trường phong hạ huyết, băng trung đới hạ, trĩ, các bệnh phụ nữ sau khi đẻ (bệnh sản hậu).

    - Mật sam: Dùng chữa bệnh phong (cùi) và sát trùng.

    - Máu sam: Máu sam được dùng để chẩn đoán bệnh và kiểm nghiệm độc tính của thực phẩm. Chế phẩm lysat chế từ máu sam, dùng để chẩn đoán các bệnh nhiễm khuẩn do vi trùng Gram âm gây nên; đặc biệt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn máu ở trẻ sơ sinh, bệnh lậu, ... Dùng lysat máu sam để chẩn đoán các bệnh nhiễm khuẩn rất thuận lợi, nhanh chóng (chỉ trong vòng 15 phút) và ít tốn kém. Nước ta có một số cơ sở nuôi sam để lấy máu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang và Tp. Hồ Chí Minh. Có thể lấy máu sam 3 lần trong năm, con đực cho 60ml/lần, con cái cho 150ml/lần. Lấy xong lại thả xuống nuôi, mà không ảnh hưởng gì đến đời sống của sam.

    - Thịt sam: Có vị cay mặn, tính bình. Có tác dụng sát trùng và chữa bệnh trĩ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, ăn quá nhiều có thể sinh ho và mụn nhọt lở ngứa.

    - Trứng sam: Được dân gian dùng làm thực phẩm và chữa bệnh. Tuy nhiên không nên ăn nhiều, vì cũng có thể sinh ho và ghẻ lở.

Một số bài thuốc có sử dụng con sam:

    (1) Chữa bệnh suyễn: Dùng đuôi con sam (lượng thích hợp), cắt nhỏ, cho vào chảo (không dầu mỡ) rang vàng, lấy ra tán mịn; người lớn mỗi lần 1 thìa cà phê (khoảng 5g); nếu nhẹ chỉ uống một lần vào buổi tối; nếu suyễn lâu năm, ngày uống 2 lần sáng và tối; trẻ nhỏ tùy theo tuổi giảm bớt liều lượng.

    (2) Chữa ho, khản cổ, ho lâu ngày không khỏi: Dùng mai con sam 150g, bồ kết 10g, bối mẫu 10g, cát cánh 10g; tất cả nghiền thành bột mịn, trộn với mật làm viên bằng đốt ngón tay; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên, ngậm trong miệng cho tan và nuốt dần.

    (3) Chữa đòn ngã tổn thương: Mai con sam đốt thành than, nghiền mịn, mỗi lần uống 4-6g với rượu.

    (4) Chữa mụn nhọt lở loét, vết thương xuất huyết: Mai sam đốt tồn tính (mặt thuốc cháy đen như than, nhưng bên trong vẫn giữ nguyên màu thuốc), nghiền thành bột mịn, rắc lên vết thương.

    (5) Chữa bỏng: Mai sam đốt tồn tính, trộn với dầu vừng bôi.

    (6) Chữa sản hậu đi lỵ: Đuôi sam đốt thành than, nghiền mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5g với nước cơm; trước khi uống đuôi sam cần uống nước sắc sinh địa hoặc nước pha mật ong.

    (7) Chữa rong huyết khi có thai: Mai con sam nướng vàng, tán bột, uống; hoặc bẻ nhỏ sắc uống; ngày dùng 4-6g.

Lương y HUYÊN THẢO