Tác dụng chữa bệnh của cây mảnh cộng 05/07/2012 9:23:36 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi muốn biết cây mảnh cộng (lá dùng ngâm bột gạo nếp để làm bánh mảnh cộng), có tác dụng chữa bệnh hay không và cách sử dụng cụ thể như thế nào? Rất mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết.

Nguyễn Mai, Thanh Hóa

Đáp:

  cây mảnh cộng, cây xương khỉ, thanh tiễn, trúc tiết hoàng, tiểu cốt tiếp, Clinacanthus nutans

Cây mảnh cộng là loài cây nhiệt đới, mọc hoang khắp nơi, từ Bắc chí Nam. Một số địa phương ở nước ta gọi cây này là "cây xương khỉ". Sách thuốc Trung Quốc gọi là "thanh tiễn", "trúc tiết hoàng", "tiểu cốt tiếp", ... tên khoa học là Clinacanthus nutans, thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).

Điều đáng lưu ý là, tại miền Đông Nam Bộ nước ta, người ta gọi mảnh cộng là "cây bìm bịp", vì theo những người cao tuổi: "Khi bìm bịp con bị gãy chân, thì chim mẹ lấy lá cây này về cắn nát đắp vào chỗ gãy làm xương liền lại".

Tác dụng làm liền xương tuy chưa được kiểm chứng đầy đủ, nhưng có khả năng không phải chuyện hoàn toàn hư cấu. Vì tại Trung Quốc cây có tên là "tiểu tiếp cốt", nghĩa là một loài cây nhỏ (tiểu) nối liền xương (tiếp cốt). Trong y học dân gian của một số nước Đông Nam Á, cũng dùng cây này giã đắp chữa gãy xương.

Về đặc điểm thực vật, mảnh cộng là loại cây nhỏ, mọc trườn, thành bụi, có thể cao tới 3m. Lá nguyên, cuống ngắn, phiến lá hình thuôn hay hình mác, mặt hơi nhẵn, màu xanh thẫm. Lá non có thể dùng nấu canh ăn. Lá khô có mùi thơm đặc trưng, như mùi cơm nếp, nên thường dùng để ngâm bột gạo nếp, làm bánh mảnh cộng. Hoa màu đỏ hay màu hồng, rủ xuống ở ngọn; lá bắc hẹp; tràng hoa có hai môi, môi dưới có 3 răng; bao phấn vàng xanh, nang dài 1,5cm. Quả hình trùy dài khoảng 1,5cm, cuống ngắn, chứa 4 hạt.

Theo Đông y: Mảnh cộng có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng thanh can (mát gan), lợi đảm (tăng tiết mật), khử ứ, tiêu thũng, chỉ thống (chống đau). Dùng chữa viêm gan vàng da, giảm tiết mật, đau nhức do phong thấp, gãy xương và một số chứng bệnh viêm nhiễm ngoài da.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy: Mảnh cộng chứa nhiều sinh tố, khoáng chất, tanin, flavon, glycosid. Còn chứa các hợp chất của cerebrosid và glycerol có tác dụng trị mụn rộp (Herpes) ở mép, miệng hay cơ quan sinh dục.

Trong dân gian: Tại một số địa phương, người ta dùng lá non để nấu canh ăn, lá khô dùng làm bánh mảnh cộng; dùng lá tươi giã đắp chữa mắt sưng đau; xào nóng bó chữa bong gân, sưng khớp, gãy xương; phối hợp với mò hoa trắng, giã lọc lấy nước uống, chữa bệnh lưỡi trắng ở trẻ em; phối hợp với lá kim vàng (Barleria luputina) để chữa mụn rộp. Thời xưa, Lãn Ông từng dùng cành lá giã nát đắp vết thương do trâu bò húc, ...

Một số cách sử dụng cụ thể theo kinh nghiệm của một số lương y trong nước:

    (1) Chữa lở miệng: Lá mảnh cộng tươi 20-60g, rửa sạch, thêm chút nước sạch, giã nát, lọc lấy nước, ngậm và nuốt dần trong ngày.

    (2) Chữa viêm gan mạn: Toàn cây mảnh cộng khô 30g, râu ngô 20g, lá vọng cách 12g, trần bì 12g, sâm đại hành 16g; sắc với 1000ml nước, giữ sôi nhỏ lửa 30 phút; chia 3 lần uống trong ngày. Dùng chữa viêm gan, kèm theo sốt về chiều, lòng bàn tay hâm hấp nóng, bứt rứt, khó ngủ, tiểu tiện vàng, đại tiện táo hoặc nát, da mặt vàng sạm.

    (3) Khớp xương sưng đau lâu ngày không khỏi: Mảnh cộng 30g, rễ và thân cây gối hạc 20g, toàn cây trâu cổ 20g, tầm gửi cây dâu tằm 20g; thêm 1200ml, sắc lấy 300ml; chia 3 lần uống sau bữa ăn trong ngày; liên tục 5-15 ngày.

    (4) Thoái hóa cột sống, gai cột sống, đau nhức xương: Mảnh cộng tươi 80g, ngải cứu tươi 50g, củ sâm đại hành tươi 50g; tất cả giã nhuyễn, xào nóng với giấm, để âm ấm đắp vào chỗ bị bệnh, băng cố định lại; đắp buổi tối trước khi đi ngủ, sáng dậy gỡ ra, liên tục 5-10 ngày; nếu kết hợp với thuốc sắc uống, tác dụng càng nhanh.

Lương y HUYÊN THẢO