Tác dụng chữa bệnh của cây cóc mẳn 17/06/2012 1:51:12 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi rất thích chuyên mục "Thuốc vườn nhà", vì tôi rất thích tìm hiểu về những thứ thuốc Nam có sẵn ở quanh nhà, trong thời gian rỗi. Gần đây, tôi để ý thấy ở quanh nhà mình và ở các bờ ruộng, có rất nhiều thứ cỏ gọi là "cỏ the" hay cây "cóc mẳn". Một số người nói, cây này có thể sử dụng để làm thuốc. Vậy mong "Thuốc vườn nhà" cho biết: Có đúng là cỏ the có thể dùng làm thuốc hay không? Có thể dùng để chữa bệnh gì? Cách sử dụng cụ thể như thế nào?

Đình Mạnh, Hải Dương

Đáp:

cúc ma, cỏ the, cây thuốc mộng, cây trăm chân, cóc ngồi, thạch hồ tuy, địa hồ tiêu, cầu tử thảo, nga bất thực thảo, cóc mẳn, Centipeda minima (L.)

Cóc mẳn

Cây bạn quan tâm trong sách thuốc thường gọi là "cóc mẳn". Cây còn có những tên khác, như "cúc mẳn", "cúc ma", "cỏ the", "cây thuốc mộng", "cây trăm chân", "cóc ngồi" (Miền Nam), "thạch hồ tuy", "địa hồ tiêu", "cầu tử thảo", "nga bất thực thảo", ...

Cây cóc mẳn mọc hoang ở khắp những nơi ẩm thấp, thường thấy ở ruộng bỏ hoang, bờ ao, ven đường, ... Ngay trong thành phố Hà Nội, ở nhiều chân tường ẩm, cũng thấy cây mọc nhiều.

Cóc mẳn là một loại cỏ nhỏ, thân mềm, mọc bò lan, cành lòa xòa mọc sát mặt đất, phân rất nhiều cành, ở ngọn có lông trắng mịn, nhưng toàn thân trông nhẵn bóng. Lá đơn, mép có khía 1-3 răng cưa, mọc so le. Cụm hoa hình đầu, mọc ở nách lá, hoa cái gồm nhiều lớp, cánh hoa hình ống màu trắng, trên có răng cưa, tràng hoa hình chuông có 4 răng hình trứng rộng, màu hơi tím. Quả 4 cạnh, trên cạnh có lông mịn nhỏ. Mùa hoa vào các tháng 2-5; mùa quả vào các tháng 4-7. Để dùng làm thuốc, thường hái toàn cây cả rễ, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Theo Đông y: Cóc mẳn có vị cay, tính ấm; vào kinh Thủ thái âm. Có tác dụng trừ phong, tán hàn, thắng thấp, thông mũi. Dùng chữa cảm mạo, hen suyễn, viêm họng, viêm amiđan, ho gà, kiết lỵ, lở loét ngoài da.

Một số cách sử dụng cóc mẳn để chữa bệnh:

    (1) Chữa viêm mũi dị ứng: Dùng cây cóc mẳn (tươi hoặc khô đều được) vò nát, đưa vào sát lỗ mũi, hít vào sẽ hắt hơi, mỗi ngày 2-3 lần. Hoặc dùng cóc mẳn, tân di hoa, sắc lấy nước đặc, nhỏ mũi ngày 3-4 lần.

    (2) Chữa ho gió (do bị cảm): Cóc mẳn (khô 15g hoặc 30g tươi), nước 500ml, sắc còn 100ml; chia 3 lần uống trong ngày.

    (3) Chữa ho gà: Dùng cóc mẳn 15g, thêm cát cánh, cam thảo, bách bộ - mỗi thứ 6g; sắc lấy nước, pha thêm dường, chia thành 3 lần uống trong ngày.

   (4) Chữa viêm amiđan: Dùng cóc mẳn 30g, gạo nếp 30g; trước hết giã cóc mẳn lấy nước cốt ngâm gạo nếp, sau đó nghiền gạo nếp thành bột nước; cho người bệnh ngậm và nuốt từ từ từng ít một.

    (5) Chữa suyễn thở khò khè do hàn đàm nghẽn tắc: Dùng cóc mẳn nghiền lấy nước cốt hòa với rượu uống.

    (6) Chữa lỵ amip: Dùng cóc mẳn, ô quyết (còn gọi là "ô cửu", "hành đen"; mọc hoang nhiều nơi ở nước ta, tên khoa học là Stenoloma chusanum (L.) Ching) - mỗi thứ 15g; sắc nước uống.

    (7) Chữa mẩn ngứa (eczema): Cóc mẳn 2 phần, đậu xanh 1 phần, muối vài hạt; cả 3 thứ giã nhỏ đắp lên nơi eczema đã rửa sạch.

    (8) Chữa nhọt độc: Dùng cóc mẳn một nắm (khoảng 15-20g), xuyên sơn giáp 2g (thiêu tồn tính), đương quy vĩ 9g; thêm 1 bát rượu, giã vắt lấy nước uống, bã đắp lên nhọt.

    (9) Chữa trĩ lở loét sưng đau: Dùng cóc mẳn một mắn, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh.

    (10) Chữa viêm da thần kinh: Dùng cóc mẳn xát vào chỗ da bị bệnh.

Lương y HUYÊN THẢO