Sinh bán hạ là vị thuốc gì? 09/12/2011 10:04:08 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Cháu vẫn thường xuyên theo dõi "Thuốc vườn nhà" vì thấy có nhiều câu hỏi về các loại thuốc được giải thích rất tận tình. Nay cháu cũng có một câu hỏi rất cần được sự giúp đỡ. Xin hãy chỉ cho cháu biết hình dạng và tác dụng của vị thuốc có tên là "sinh bán hạ". Cháu có đọc một bài thuốc có tên vị thuốc trên, nhưng không biết gì về nó và nếu muốn có thì có thể mua ở đâu?

Trần Thị Kiều Trinh, Lớp 11 E, Trường THPT số 3 Bố Trạch

Đáp:

IMG

"Sinh bán hạ" là vị thuốc "bán hạ" chưa qua bào chế. Củ bán hạ đào về, rửa sạch đất cát, phơi khô, sẽ cho ta vị thuốc "sinh bán hạ".

Bán hạ có thể dùng tươi (gọi là "tiên bán hạ"), nhưng chủ yếu là dùng ngoài, giã đắp vết thương, nơi rắn độc cắn, ... Phổ biến nhất là sử dụng bán hạ đã qua bào chế, gọi là "bán hạ chế". Bán hạ được bào chế theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào mục đích chữa bệnh.

"Thuốc vườn nhà" xin giời thiệu một số cách bào chế tương đối thông dụng:

    (1) Tẩm cam thảo và bồ kết: Củ bán hạ rửa sạch, ngâm nước trong 2-3 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, cho đến khi nước trong hẳn. Cứ 1kg bán hạ thêm 100g cam thảo, 100g bồ kết và cho nước đủ ngập rồi đun cho đến khi cạn hết nước, vớt ra phơi hay sấy khô.

    (2) Tẩm gừng và phèn chua: Củ bán hạ cũng rửa sạch và ngâm nước như trên cho tới khi nước trong. Cứ 1kg bán hạ thì thêm 50g phèn chua và 300g gừng tươi giã nhỏ, thêm nước vào cho ngập. Ngâm trong 24 giờ, lấy ra rửa sạch, đồ cho chín, thái mỏng. Lại tẩm nước gừng: cứ 1kg bán hạ thêm 150g gừng tươi giã nát, thêm ít nước, vắt lấy nước và cho bán hạ vào ngâm một đêm. Lấy ra sao vàng là dùng được.

Bán hạ là một vị thuốc đã được sử dụng từ lâu đời. Theo sách "Lễ ký": Do sinh vào giữa mùa hạ, nên gọi là bán hạ (bán hạ = giữa mùa hạ). Trên thực tế, bán hạ được khai thác từ thân rễ của nhiều cây khác nhau, đều thuộc họ Ráy (Araceae):

    (1) Cây bán hạ Typhonium triobatum Shott: Còn gọi là củ chóc, lá ba chìa, cây chóa chuột. Là một loại cỏ, không có thân, có củ hình cầu đường kính tới 2cm. Lá hình tim hay hình mác, hoặc chia 3 thuỳ dài 4-15cm rộng 3,5-9cm. Bông mo với phần hoa đực dài 5-9mm, phần trần dài 17-27mm. Quả mọng, hình trứng dài 6mm.

    (2) Cây bán hạ Pinellia ternata (Thunb.) Breiter: Còn gọi là "Tam diệp bán hạ", khác cây bán hạ nói trên ở chỗ lá xẻ thuỳ sâu và rõ rệt hơn.

    (3) Cây Pinellia padatisecta Schott: Còn gọi là "Chưởng diệp bán hạ", khác những cây trên ở chỗ lá chia thành chín thuỳ, khía sâu.

Theo Đông y: Bán hạ có vị cay, tính ấm, có độc; vào 3 kinh Tỳ, Vị và Phế. Có tác dụng táo thấp (làm khô ẩm thấp), hoá đờm (tan đờm), giáng nghịch chỉ ẩu (chống nôn), tiêu bĩ tán kết (tiêu khối u, tan hòn cục). Dùng trong những trường hợp nôn mửa, đờm thấp, hen suyễn, đầu nhức, đầu váng, không ngủ. Dùng ngoài có tác dụng tiêu thũng. Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận.

Cháu có thể tự đi kiếm hoặc mua "sinh bán hạ" ở hầu hết các cửa hàng bán thuốc Đông Nam dược. Tuy nhiên, bán hạ là vị thuốc có độc, nên nói chung chỉ dùng liều nhỏ. Ngày dùng từ 1,5-4g, với bán hạ chế có thể dùng từ 4-12g, hoặc hơn.

Một số đơn thuốc có sử dụng bán hạ:

    (1) Chữa ho và nôn mửa khi có thai: Bột bán hạ 80g, bột gừng sống 50g, nước 3000ml, đun sôi và sắc cho đến khi cạn còn 1000ml; lọc qua bông và dùng nước cất pha thêm vào cho đủ 1000ml. Mỗi lần dùng 100-300ml; trung bình mỗi ngày dùng 200- 600ml, tương ứng với 8-24g hoặc 16-18g bán hạ. Đây là đơn thuốc trong "Dược điển Trung Quốc" 1953, chỉ pha chế khi cần dùng đến.

    (2) Tiểu bán hạ gia phục linh thang (đơn thuốc của Trương Trọng cảnh): Bán hạ 8g, phục linh 6g, sinh khương 3g, nước 300ml; sắc còn 100ml. Uống dần trong ngày, chữa phụ nữ có thai, nôn mửa.

    (3) Chữa hen suyễn: Bán hạ chế 40g, sinh khương 20g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Dùng chữa hen suyễn, kèm theo nặng mặt, nằm không được, muốn nôn ọe, bụng dưới nôn nao. Còn có thể dùng để chữa nôn.

    (4) Trẻ nhỏ ngất bất tỉnh: Dùng sinh bán hạ 4g, bồ kết 2g, tất cả tán nhỏ, thổi vào lỗ mũi.

Lương y HƯ ĐAN