Rụng tóc do viêm da tăng bã nhờn 08/12/2011 8:45:27 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Từ mùa hè năm ngoái đầu tôi thường bị ngứa, gãi thấy bong vẩy dính và tóc rụng nhiều hơn bình thường. Tôi đến bệnh viện khám, được chẩn đoán là "Viêm da đầu do tăng bã nhờn". Tôi đã uống và bôi thuốc theo đơn của bác sĩ, sau đó lại uống một số thuốc gia truyền theo các báo quảng cáo, nhưng đến nay bệnh vẫn chưa khỏi, vùng đỉnh đầu tóc còn rất ít. Vì vậy rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" cho biết, có thể dùng loại thảo dược nào để chữa khỏi bệnh này hay không?

Nguyễn Thị Minh T., Tp. Thái Nguyên

Đáp:

IMG

"Viêm da tăng bã nhờn" (seborrhoeic dermatitis) là một dạng viêm da mạn tính, hay phát sinh ở những vị trí có tiết nhiều bã nhờn trên cơ thể như đầu, trán, má, cổ, ngực, lưng, nách, quanh cơ quan sinh dục, ...

Khởi đầu, quanh lỗ chân lông xuất hiện những nốt sẩn đỏ, phát triển lan rộng dần, hợp thành những mảng ban đỏ, bề mặt có lớp vẩy nhờn dính hoặc khô. Nếu bệnh phát triển ở trên đầu, thường kèm theo ngứa, trường hợp nặng thường có thẩm dịch (rỉ nước), vẩy dày cộm và có mùi dị thường; tóc bị rụng và thưa dần, nhất là ở đỉnh đầu - nói chung là rụng tóc vĩnh cửu. Nếu bệnh phát sinh ở chỗ nhiều nếp nhăn, thường kèm theo viêm loét, có thẩm dịch, đóng vẩy, nứt da. Có thể kèm theo viêm nang lông, trứng cá thường hoặc trứng cá đỏ.

"Viêm da tăng bã nhờn" thuộc phạm vi chứng "bạch tiết phong" trong Đông y, trường hợp bệnh phát sinh ở trên mặt thì có tên là "diện du phong". Bạn đã uống một số thuốc Đông y gia truyền mà không khỏi, vì mỗi phương thuốc gia truyền chỉ có thể chữa khỏi được bệnh cho một số đối tượng nhất định. Muốn sử dụng thuốc Đông y có kết quả tốt, cần căn cứ vào những chứng trạng cụ thể để lựa chọn phép chữa và bài thuốc thích hợp. Tốt nhất bạn nên đến một phòng chẩn trị Đông y có tín nhiệm, để được các thầy thuốc chẩn đoán và kê những đơn thuốc phù hợp với bệnh tình.

"Mỹ phẩm từ thiên nhiên" xin chỉ giới thiệu hai dạng thường gặp nhất để bạn tham khảo:

(1) Dạng thấp nhiệt:

    - Biểu hiện: Trên mặt da xuất hiện mảng ban đỏ, viêm tấy và có vẩy màu vàng, dính, hay rỉ nước, hơi ngứa, bốc mùi dị thường. Kèm theo những chứng trạng như ngực sườn đầy tức, bụng trướng đầy, ăn không ngon miệng, miệng đắng, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi dày, vàng nhớt; mạch đập trơn và nhanh (hoạt sác).

    - Phép chữa: Thanh nhiệt giải độc, hóa thấp sơ phong.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Dùng nhân trần 15g, đại hoàng 3-6g, chi tử 12g, kim ngân hoa 12g, bồ công anh 15g, cúc hoa 10g, thuyền y 6g, bạc hà 6g, khổ sâm 6g, cam thảo 6g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 4-5 ngày lại tiếp tục liệu trình khác đến khi khỏi bệnh.

(2) Dạng huyết hư:

    - Biểu hiện: Mặt da chỗ tổn thương dầy cộm lên, đóng vẩy màu trắng dày, dễ bong, lông tóc khô, ngứa nhiều, kèm theo rụng tóc, da nhợt nhạt, hay bồn chồn lo sợ vô cớ, đêm ngủ không yên giấc, khi ngủ hay ra mồ hôi trộm, miệng khô khát, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch nhỏ nhanh (tế sác).

    - Phép chữa: Dưỡng huyết trừ phong, nhuận táo.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Đương quy 15g, xuyên khung 6g, bạch thược 12g, sinh địa 15g, phòng phong 10g, bạch tật lê 15g, hà thủ ô 12g, khổ sâm 6g, thương truật 10g, đan bì 10g, cam thảo 6g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 4-5 ngày lại tiếp tục liệu trình khác đến khi khỏi bệnh.

Thuốc gội đầu:

(1) Dùng ngũ bội tử 60-100g, giã nát, thêm nước, sắc lấy nước gội đầu ngày 1 lần. "Ngũ bội tử" còn gọi là "bầu bí", có thể mua ở tất cả các cửa hàng Đông Nam dược.

(2) Dùng ngải cứu 100-200g, thêm nước, sắc lấy nước gội đầu ngày 1 lần.


Lương y HUYÊN THẢO