Quả me: Giải khát, nhuận tràng, phòng ngừa cảm nắng 03/07/2013 9:09:30 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe nói, quả me có thể sử dụng chữa cảm nắng. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Ngoài quả me, các bộ phận của cây me có thể sử dụng làm thuốc được không?

Trần Bình An, Hải Phòng

Đáp:

cây me, quả me, lá me, hạt me, me, Tamarindus indica L., họ Đậu (Fabaceae)

Cây me

Me là loại cây trước kia thường được trồng làm cây bóng mát tại các thành phố. Cây có nguồn gốc vùng nhiệt đới châu Phi, sau đó được trồng phổ biến ở khắp các tỉnh nước ta, cũng như tại rất nhiều nước nhiệt đới khác.

Cây me (Tamarindus indica L., thuộc họ Đậu (Fabaceae)) là loài cây gỗ lớn, cao 15-30m, tán cây rất rộng, rất nhiều lá. Lá kép lông chim chẵn, dài 8-10cm, gồm 10-20 đôi lá chét thuôn tù ở đầu, dài 20mm, rộng 2mm. Chùm hoa ở ngọn các nhánh nhỏ. Hoa có 2 lá bắc vàng, dính nhau thành chóp và rụng sớm; 4 lá đài trắng; 3 cánh hoa vàng có gân đỏ. Quả dài mọc thõng xuống, hơi dẹt thòng, dài 7-12cm, rộng 25mm, dày 10mm. Vỏ quả ngoài mỏng, cứng, dòn, màu nâu thẫm hay hung đỏ; vỏ quả giữa có xơ, vị chua; sau khi đã loại hết xơ thì phần vỏ quả giữa có màu nâu nhạt hay vàng nhạt. Quả chứa 3-5 hạt dẹt, nhẵn, màu nâu đỏ, bóng.

Quả me khi còn xanh được dùng nấu canh chua và làm ô mai. Quả me chín dùng để ăn tươi, làm mứt hoặc pha nước giải khát.

Tất cả các bộ phận của cây me (cành, lá, vỏ thân, ...) đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng thông dụng và an toàn nhất là dùng quả.

Quả me hái về có thể chế biến theo hai cách:

    - Bỏ hạt, phơi khô; cất đi để dùng dần làm thuốc.

    - Chế thành "cơm me": Nghiền nát quả, lọc bỏ xơ, phần còn lại gọi là "cơm me"; với mỗi 50g cơm đã lọc bỏ xơ, thêm vào 50ml nước và 125g đường; đun sôi nhỏ lửa cho cạn nước, sau đó có thể đem sấy khô, để dành dùng dần.

Theo Đông y: Quả me có vị chua ngọt, tính mát; vào 2 kinh Tâm và Vị. Có tác dụng thanh thử nhiệt (phòng nắng nóng), tiêu tích trệ. Dùng để phòng ngừa cảm nắng và chống nắng, chữa tiêu hóa kém, phụ nữ có thai nôn mửa và trẻ nhỏ cam tích (suy dinh dưỡng).

Quả me, cây me có thể sử dụng để làm thuốc chữa trị một số bệnh thường hay phát sinh trong những ngày nắng nóng mùa Hè và đầu mùa Thu.

"Thuốc vườn nhà" xin được giới một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Phòng ngừa cảm nắng, say nắng: Dùng quả me tươi 30-50g hoặc quả me khô (đều bỏ hạt) 15-30g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (2) Giải khát, nhuận tràng: Quả me giã nát, lọc bỏ xơ và hạt, đổ xirô đặc vào đun sôi, chờ nguội, cất đi dùng dần; mỗi ngày dùng 10-30g "cơm me" này, hòa vào nước, uống để giải khát và nhuận tràng, phòng ngừa táo bón. Rất thích hợp với táo bón mạn tính ở người cao tuổi, cũng như phụ nữ đang mang thai mà bị táo bón.

    (3) Có thai chán cơm hay nôn nghén: Dùng quả me tươi (bỏ hạt) 50-60g hoặc quả đã bỏ hạt phơi khô 15-20g; sắc nước uống.

    (4) Chữa mẩn ngứa, rôm sảy: Dùng lá me lượng thích hợp; nấu nước tắm rửa.

    (5) Chữa ghẻ: Hái lá me, sắc lấy nước đặc, dùng để bôi ghẻ, tác dụng khá tốt.


Lương y HƯ ĐAN