Những vị thuốc từ quả cau 03/11/2011 4:26:21 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe các cụ trong làng nói, cây cau có thể sử dụng để chữa bệnh, xin "Thuốc vườn nhà" cho biết một số tác dụng và cách dùng cụ thể.

Lê Văn Tư, Việt Trì

Đáp:

cau, cây cau, quả cau, tân lang nhân, binh lang, đại phúc bì

Trong Đông y thường dùng hai vị thuốc chế từ quả cau, đó là:

    1. Tân lang (còn gọi là tân lang nhân, binh lang...): Là hạt quả cau đã phơi hoặc sấy khô; có tác dụng sát trùng, phá tích trệ, giáng khí nghịch, hành thủy, hóa thấp, kiện vị. Tân lang có thể là hạt cau nhà hoặc cau rừng (sơn tân lang); cau rừng hạt nhỏ, nhọn, chắc, tốt hơn.

    2. Đại phúc bì: Là phần vỏ ngoài của quả cau (bỏ hạt), phơi hay sấy khô; có tác dụng hạ khí, hành thủy, chỉ hoắc loạn, thông đại tiểu tiện, kiện tỳ, khai vị, điều trung. Có nơi dùng mo cau (bẹ mèo), thái nhỏ, phơi khô với tên "đại phúc bì".

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số ứng dụng tương đối đơn giản:

    (1) Chữa ợ chua: Hạt cau 120g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 60g; tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, uống lúc đói bụng; mỗi lần uống 1 thìa con cùng với chút mật ong (Mai sư tập nghiệm phương).

    (2) Chữa thức ăn tích trệ, bụng đầy, trướng đau, chán ăn: Hạt cau giã vụn, lai phục tử (hạt củ cải) - mỗi thứ 10g, vỏ quít 1 miếng; sắc lấy nước, bỏ bã, thêm chứt đường trắng vào uống thay trà trong ngày (Thực vật dược dụng chỉ nam).

    (3) Chữa lỵ cấp tính: Hạt cau già 100g, rau sam 200g, cỏ sữa 200g, củ phượng vĩ 100g, lá mơ lông 100g; rau sam, cỏ sữa, lá mơ lông giã vắt lấy nước cốt; củ phượng vĩ, hạt cau tán thành bột mịn, trộn với nước cốt trên phơi khô, tán mịn lại, luyện với hồ thành viên bằng hạt ngô; người lớn mỗi lần uống 8g với nước nóng, trẻ nhỏ tùy theo tuổi giảm bớt liều (Thuốc Nam và châm cứu).

    (4) Chữa đại tiểu tiện không thông: Hạt cau 6-9g; sắc nước uống (Thực vật dược dụng chỉ nam).

    (5) Chữa cước khí, bụng trướng, đại tiển tiện khó khăn: Đại phúc bì 30g, tân lang 30g, mộc hương 15g, mộc thông 60g, hạt mận 30g, tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu tằm) 60g, khiên ngưu tử (hạt bìm bìm) 60g; tất cả tán thành bột mịn; mỗi lần dùng 12g, thêm gừng tươi 3 lát, hành tươi 2 củ, sắc kỹ với nước, lọc bỏ bã, uống khi còn ấm; uống liên tục nhiều lần cho đến khi đại tiểu tiện thông thì ngừng (Thánh huệ phương).

    (6) Chữa trẻ con chốc đầu: Mài hạt cau thành bột phơi khô, hòa với dầu bôi vào chỗ có bệnh (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (7) Chữa trong miệng có những vết loét trắng: Hạt cau đốt thành than, nghiền mịn, bôi vào chỗ có bệnh (Thực vật dược dụng chỉ nam).

    (8) Chữa mụn nhọn lở loét, máu mủ hôi hám: Sắc nước đại phúc bì rửa chỗ có bệnh (Nhân Trai chỉ trực phương).

    (9) Chữa trẻ nhỏ tai chảy mủ: Hạt cau tán thành bột mịn, thổi vào lỗ tai (Bao thị tiểu nhi phương).


Lương y HƯ ĐAN