Ngải cứu có khả năng chống Covid-19 hay không? 09/05/2021 4:04:33 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Gần đây tôi thấy mấy tờ báo đưa tin rằng nhóm nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Worcester, bang Massachusetts (Mỹ), đã phát hiện chiết xuất từ trong lá cây Artemisia annua, tên khác của cây ngải cứu ngọt (sweet wormwood) có khả năng ngăn chặn được sự nhân rộng của SARS-CoV-2 virus và hai biến thể của nó. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, cây "NGẢI CỨU NGỌT" có mọc ở nnước ta hay không?

Đáp:

Theo thông tin mà bạn trích dẫn: "Tên khác" của cây ngải cứu ngọt là Artemisia annua. Thực ra Artemisia annua chính là tên khoa học của cây thuốc mà bạn quan tâm.

Nếu mở sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", trang 640, của Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Đỗ Tất Lợi, chúng ta sẽ thấy, cây mà bạn quan tâm có tên là "thanh hao hoa vàng" - còn gọi là thanh hao, thanh cao, thảo cao, tên khoa học Artemissia annua L., thuộc họ Cúc Asteriaceae (Compositae).

Cũng theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam":

   - Cây sống lâu năm. Mọc hoang thành từng đám ở vùng đồi núi ven suối, ven sông. Cao từ 1,5 - 2m. Lá xẻ lông chim 2 lần, thành phiến hẹp, phủ lông mềm. Có mùi thơm. Cụm hoa hình cầu hợp thành một chùy kép. Lá bắc tổng bao, hình trứng hoặc hình bầu dục. Hoa màu vàng nhạt, mỗi cụm hoa gồm 6 hoa: giữa là hoa lưỡng tính, xung quanh là hoa cái. Hoa chỉ có kích thước 0,5-1mm. Quả bế hình trứng, dài 1mm. Mặt vỏ có tuyến chứa tinh dầu. Trên thị trường tại Trung Quốc, thường bị trộn một cây khác gọi là hoàng cao hay xú cao cũng họ Cúc nhưng lá quanh năm màu vàng lục, và có mùi hôi, còn cây thanh hao hoa vàng thật thì chỉ về mùa thu lá mới vàng, còn trước đó có màu lục.

   - Cây thanh hao hoa vàng mọc hoang dại ở nước ta từ lâu đời, nhưng thường mọc lẫn với một số loài khác tương tự. Trước năm 1980, cây thanh hao chưa được chú ý sử dụng lắm cho nên cũng không ai chú ý phát hiện đính chính lại. Sau năm 1979, do tiếng vang của những kết quả thu được ở Trung Quốc về tác dụng chữa sốt rét của loài thanh cao hoa vàng của Trung Quốc, Viện Khoa học Việt nam, sau đó Trung tâm kiểm nghiệm nghiên cứu dược quân đội phát hiện một số cây mang tên thanh cao, thanh hao ở vùng Lạng Sơn chính là loài Artemisia apiaceae L. Ngoài Lạng Sơn, thanh cao hoa vàng còn mọc ở Cao Bằng, Lào Cai, và đang được trồng thử ở vùng đồng bằng sông Hồng. Thanh cao hoa vàng còn thấy mọc hoang ở Liên Xô cũ, Iran, Mông Cổ, Ấn Độ, Nhật Bản, Bắc Mỹ và một số nước thuộc vùng Đông Nam châu Á. Đang được nghiên cứu trồng mở rộng làm nguyên liệu chiết artemisinin chữa sốt rét và sốt.

   - Tại những địa phương có thanh cao hoa vàng mọc hoang dại, nhân dân thường hái lá non của cây non về nấu canh ăn thay rau. Còn dùng lá, hoa và toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô làm thuốc chữa sốt cao, sốt, giải độc, cảm mạo, rối loạn tiêu hoá. Thời gian thu hái tốt nhất vào tháng 8 lúc cây chuẩn bị ra hoa.

Tóm lại, NGẢI CỨU NGỌT - Artemissia annua L. Thuộc họ Cúc Asteriaceae (Compositae). là loài cây có sẵn ở nước ta. Tên thông dụng ở nước ta là "Thanh hao hoa vàng". Một số thông tin liên quan đến cây Artemissia annua L. đã được "Thuốc vườn nhà" đăng tải trong bài viết: http://www.thuocvuonnha.com/c/cay-thanh-hao-va-giai-nobel-y-hoc-2015-nhung-van-de-con-chua-sang-to-ky-1/y-gia.


Còn cây ngải cứu (dân gian thường dùng để rán trứng ăn) là một cây khác, đã được thông tin chi tiết trên "Thuốc vườn nhà", quý bạn đọc có thể tham khảo tại đây: http://www.thuocvuonnha.com/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam/ket-qua-tra-cuu/ngai-cuu.