Mùi tàu (ngò tàu) chữa cảm sốt, đau bụng 06/08/2015 9:22:11 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Ngò tàu là một cây gia vị thông dụng, người gia đình tôi thường dùng nấu món giấm ốc. Nghe nói, ngò tàu cũng là một vị thuốc. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, ngò tàu chữa được những chứng bệnh gì? Cách dùng và liều lượng thế nào?

Huỳnh Tín Nhơn, Đồng Nai

Đáp:

ngò tàu, rau mùi tàu, ngò gai, giả nguyên xuyến, hương tín, phiên hương xuyến, dã nguyên tuy, thích nguyên tuy, Eryngium foetidum L., họ Hoa tán Apiaceae, Umbelliferae

Mùi tàu (Ngò tàu)

"Ngò tàu" ở ngoài Bắc gọi là "rau mùi tàu"; cây còn nhiều tên gọi khác, như "ngò gai", "giả nguyên xuyến", "hương tín", "phiên hương xuyến", "dã nguyên tuy", "thích nguyên tuy", ... tên khoa học là Eryngium foetidum L., thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).

Ngò tàu (mùi tàu) là loài cỏ mọc hàng năm hoặc vài năm. Thân đơn độc, mọc đứng, có khía, cao 15-50cm, chia thành nhiều cành ở đầu ngọn (nhiều lần rẽ đôi). Lá không có cuống, mỏng, hình mác thuôn dài, mép có răng cưa, răng hơi có gai; lá ở gốc mọc sát mặt đất, thành hình hoa thị. Lá trên thân càng lên cao càng nhỏ dần, nhiều răng cưa hơn, gai sắc hơn, xẻ 3-7 thùy. Hoa màu trắng lục. Cụm hoa dạng đầu, hình bầu dục hay hình trụ, tổng bao gồm 5-7, lá bắc hình mác hẹp, mỗi bên có 1-2 răng, trên đầu có 1 gai nhọn. Quả hình cầu hơi dẹt, đường kính 2mm.

Ngò tàu (mùi tàu) là cây có nguồn gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, được du nhập vào nước ta đã lâu, hiện tại thường thấy cây mọc hoang khắp nơi, hay gặp nhất ở những chỗ ẩm mát vùng đồi núi. Cây còn được trồng từ Bắc chí Nam, để dùng làm rau gia vị.

Lá ngò tàu thường dùng làm gia vị; có tác dụng khai vị, giúp ăn ngon cơm, tiêu thức ăn, giải độc chất tanh; có thể ăn sống hay nấu chín. Toàn cây có thể dùng làm thuốc; hái về phơi chỗ râm cho khô để dùng.

Theo Đông y: Ngò tàu có vị cay đắng, tính ấm, có mùi thơm; có tác dụng sơ phong trừ thấp, giải cảm thấp nhiệt, kèm rối loạn tiêu hóa. Ở Malaixia, người ta dùng mùi tàu với rễ cam thảo đất làm thuốc lợi tiêu hóa.

Trên thực tế, dân gian thường dùng mùi tàu làm thuốc chữa: (1) Cảm mạo đau tức ngực; (2) Rối loạn tiêu hóa; (3) Viêm ruột ỉa chảy.

Liều dùng từ 10-15g; hãm hoặc sắc uống. Dùng ngoài giã đắp lên vết thương và rắn cắn.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Chữa cảm cúm, phát sốt: Dùng độc vị mùi tàu khô 15-20g, hoặc 30-50g tươi; hoặc có thể phối hợp với một số loại cây khác có tinh dầu như ngải cứu, cúc tần, bạc hà, ... mỗi thứ 8-12g, sắc nước uống.

    (2) Chữa cảm mạo, ăn uống không tiêu: Dùng mùi tàu khô 10g, cam thảo nam 6g, nước 300ml, đun sôi, giữ sôi trong 15 phút; chia 3 lần uống trong ngày, uống lúc nóng.

    (3) Chữa cảm sốt, đau bụng, ăn khó tiêu hoặc nôn mửa đi ngoài: Dùng mùi tàu 30g, phối hợp với gừng sống, sả, tía tô - mỗi vị 12g; cùng sắc uống.


Lương y HƯ ĐAN