Mùa hè ăn rau rút sẽ bị đau xương? 22/05/2012 7:33:23 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Ngày hè nắng nóng, tôi rất thích ăn món canh rau rút nấu với khoai sọ. Nhưng gần đây nghe có người nói, ăn rau rút gây đau nhức xương. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết rõ, cây rau rút có những tính năng gì? Có đúng là ăn vào bị nhức xương hay không?

Nguyễn Thị Mai, Hưng Yên

Đáp:

rau rút, rau nhút, rau dút, quyết thái, thủy hồ điệp, Neptunia oleracea Lour, N. prostrata Bail

"Rau rút" còn gọi là "rau nhút", "rau dút", "quyết thái", "thủy hồ điệp", ... tên khoa học là Neptunia oleracea Lour (N. prostrata Bail).

Rau rút là loại cây thảo, sống ở nước. Thân ngầm, mọc bò, nổi ngang mặt nước. Quanh thân có phao xốp, màu trắng. Bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le, kép lông chim hai lần; lá chét nhiều, nhỏ, dài 0,5-2cm; rộng 0,2-0,4cm; xếp đều đặn, sít nhau từng đôi một; cuống dài 5-7cm, gấp khúc ở gốc. Lá rau rút thường khép lại nhanh chóng khi đột ngột chạm vào (do nước rút nhanh từ phiến lá chét vào cuống lá). Hoa hợp thành đầu, màu vàng, dài 6-15cm; đài hình chuông; tràng 5 cánh rời nhau; nhị 10; bầu nhẵn. Quả chứa 6 hạt dẹt, nhẵn. Mùa hoa quả vào tháng 9-12.

Rau rút là cây trồng quen thuộc ở hầu hết các tỉnh đồng bằng, trung du và cả vùng núi thấp. Là cây chỉ sống được ở nước, ưa sáng và thường được trồng theo kiểu thả bè ở các ao, hồ, đầm. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè và mùa thu. Nhờ hệ thống rễ chùm đặc biệt phát triển, cây có thể hút các chất vô cơ và hữu cơ hòa tan trong nước. Cây rau rút sinh chồi khỏe, ngắt ngọn chỉ cần sau 7-10 ngày, lại đã có thể thu hoạch lứa khác tiếp theo.

Rau rút được trồng làm rau ăn, thường nấu canh riêu cua với khoai sọ, ăn rất mát. Rau rút lại có mùi thơm đặc biệt, phảng phất như nấm hương. Rau rút cũng có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh.

Để làm thuốc, người ta thường thu hái toàn cây, dùng tươi hoặc phơi khô.

Về dược tính, sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh (phần V - Loài rau, tr 25.129) đã viết: "Quyết thái: Rau dút, vị ngọt, tính hàn, không độc, trơn hoạt, bổ trung ích khí; làm cho ngủ được; mát dạ dày, mạnh gân bổ xương".

Trên lâm sàng có thể sử dụng rau rút làm thuốc bổ ngũ tạng hư yếu; làm tan khí trệ ở kinh lạc gân xương; tiêu bướu cổ và làm mạnh gân xương. Dùng nấu canh luộc ăn hay sắc uống.

Như vậy: Trong y văn không thấy nói tới tác hại gây nhức xương của cây rau rút. Ngược lại còn có tác dụng mạnh gân cốt.

Tuy nhiên, rau rút là thứ có tính lạnh, ăn vào dễ ngủ, mát ruột. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, người tạng hàn (sợ lạnh, chịu rét kém, ăn khó tiêu, ỉa lỏng, chân tay lạnh, ...) ăn vào thì sình bụng; trẻ nhỏ ăn nhiều thì chân yếu.

Có thuyết nói, ăn rau rút luôn, thì mắt mờ và tóc rụng sớm. Cần chú ý tìm hiểu, nghiên cứu thêm để rút kinh nghiệm.

Bài thuốc có sử dụng rau rút:

    (1) Chữa bướu cổ: Dùng rau rút ăn hàng ngày; ăn liền một tháng thì có hiệu quả. Hoặc dùng phương thuốc: Rau rút 30g, cải trời 20g, mạch môn 15g, sinh địa 15g, sài hồ 8g, kinh giới 8g, xạ can 8g; sắc uống.

    (2) Chữa sốt cao, không ngủ được, nóng ruột, tiểu tiện không thông: Dùng rau rút giã lấy nước cốt uống. Hoặc ăn rau rút nấu với khoai sọ, cua đồng.

Lương y HUYÊN THẢO