Món ăn - Bài thuốc chữa trẻ nhỏ sốt nóng mùa hè 10/07/2014 9:09:52 SA
Thuốc vườn nhà

Củ mã thầy

Trong những ngày hè, nếu thấy trẻ nhỏ bị sốt nóng dai dẳng lâu ngày không giảm, nhiệt độ dao động trong khoảng từ 38-40 độ C, sờ lên da chỉ thấy có chút ít mồ hôi hoặc thậm chí không có mồ hôi, miệng khát, uống nước rất nhiều, đái nhiều, nước tiểu nhiều mà trong, tuy nhiên nói chung vẫn ổn; tiến hành kiểm tra toàn thân và làm các loại xét nghiệm đều không phát hiện thấy có gì khác thường. Trong tình huống như vậy ta cần nghĩ đến chứng bệnh có tên là "Bệnh sốt mùa hè ở trẻ nhỏ".

Bệnh này hay gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 5 năm tuổi và liên quan mật thiết với điều kiện thời tiết, khí hậu. Bệnh thường phát tác ở những vùng khí hậu nắng nóng, tập trung vào các tháng 6-8, thời gian nắng nóng nhất trong năm, nên còn gọi là "Bệnh sốt do nắng nóng ở trẻ nhỏ".

Ở những vùng nắng nóng kéo dài, thời gian phát bệnh cũng dài hơn. Bước sang mùa thu, thời tiết mát mẻ, thì nhiệt độ cơ thể ở trẻ nhỏ cũng tự nhiên trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ, đến mùa hè năm sau bệnh lại tái phát; có khi lặp đi lặp lại đến 3-5 năm. Khi tái phát, bệnh trạng thường nhẹ hơn năm đầu, ít có biến chứng và tiên lượng cũng khả quan hơn.

Theo Y học hiện đại: Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là do cơ thể trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ, chức năng điều tiết thân nhiệt chưa hoàn thiện, chưa đủ sức thích ứng với thời tiết nắng nóng mùa hè, nên bị phát sốt.

Y học hiện đại chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Để hạ sốt, chủ yếu là sử dụng những biện pháp làm giảm nhiệt độ ở chung quanh, khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống.

Đông y cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến sốt mùa hè ở trẻ nhỏ có thể là do "ngoại nhân" (tác nhân bên ngoài) hoặc "nội nhân" (nguyên nhân bên trong). "Ngoại nhân" chủ yếu là "thử nhiệt", tức khí hậu nắng nóng trong mùa hạ. "Nội nhân" chủ yếu do cơ thể trẻ nhỏ còn non yếu, khả năng thích nghi, sức chống bệnh còn chưa đầy đủ, nên dễ bị "ngoại tà" xâm phạm gây nên bệnh. Do bệnh chỉ gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, lại thường phát sinh ở những trẻ thể chất yếu ớt, nên "nội nhân" đóng vai trò chính yếu; ngoại nhân - khí hậu nắng nóng chỉ tạo ra điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh.

"Nội nhân" gắn liền với tình trạng thể chất suy yếu ở trẻ nhỏ, trên lâm sàng lại được chia ra 3 loại hình chủ yếu, là "Phế vị âm hư", "Tỳ vị khí hư" và "Thận dương hư".

• BIỆN CHỨNG THỰC LIỆU

Để chữa trị, cần triển khai trên 2 phương diện. Một mặt cần thanh giải thử nhiệt, một mặt cần tiến hành bồi bổ cơ thể. Cụ thể, một mặt cần sử dụng những thức ăn, vị thuốc tính hàn lương, có tác dụng thanh thử giải nhiệt, để hạn chế tác động của thời tiết nắng nóng đối với cơ thể. Đồng thời cần sử dụng những thức ăn, vị thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, nhằm củng cố những chỗ yếu về mặt thể chất.

Căn cứ vào những đặc điểm cụ thể về thể chất ở trẻ nhỏ, cùng với những chứng trạng biểu hiện cụ thể, có thể tiến hành thực liệu theo 3 phương án như sau:

1. Phế vị âm hư:

    Thể bệnh này hay gặp ở trẻ nhỏ thể chất yếu ớt, thuộc loại hình trong Đông y gọi là "Phế vị âm hư".

    Chứng trạng biểu hiện: Sốt nóng lâu ngày, mồ hôi ra ít hoặc không mồ hôi, miệng khát uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều; môi khô đỏ, lưỡi và họng hơi đỏ, tinh thần và ăn uống nói chung không biến động nhiều.

    Phép chữa chủ yếu là "thanh thử nhiệt" (chống nắng nóng) và "dưỡng âm" (bồi bổ phần âm, tăng thể dịch).

    Trong điều kiện gia đình có thể sử dụng một số Món ăn - Bài thuốc sau:

        (1) Canh trứng gà lá tre: Dùng lá tre hoặc lá trúc 10g, trứng gà 1 quả; trước hết nấu lá tre với 3 bát nước, đun còn nửa bát, vớt lá tre ra; đập trứng gà vào một cái bát riêng, bỏ lòng đỏ ra, chỉ dùng lòng trắng; đổ lòng trắng vào nồi nước sắc, đun nhỏ lửa cho đến khi lòng trắng trứng đặc lại; hòa thêm chút đường trắng cho đủ ngọt là được; chia ra 2-3 lần ăn trong ngày, liên tục trong nhiều ngày.

        Lá tre có tác dụng thanh thử nhiệt (chống nắng nóng). Lòng trắng trứng gà có tác dụng tư âm thanh nhiệt. Hai thứ kết hợp, tạo nên tác dụng thanh thử nhiệt, dưỡng âm, sinh tân, chỉ khát, đồng thời còn bổ sung protein cho cơ thể.

        (2) Dưa hấu: Đối với trẻ tương đối lớn, hàng ngày có thể cho trẻ ăn 300-500g dưa hấu hoặc ép nước cho uống. Đối với trẻ còn nhỏ, dùng phần thịt quả và vỏ trắng (gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài) ép lấy nước, chia ra cho trẻ uống trong ngày.

        Theo Đông y, dưa hấu là có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, giải khát và chống sốt.

        (3) Nước rau muống mã thầy: Dùng rau muống 200-250g, mã thầy (còn gọi là "củ năn") 10 củ; rau muống rửa sạch, thái ngắn; mã thầy gọt bỏ vỏ, thái lát; sắc lấy nước, chia ra 2-3 lần uống trong ngày. Trẻ tương đối lớn có thể ăn cả rau muống và mã thầy.

        Rau muống và mã thầy đều có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng dưỡng âm, sinh tân dịch và thanh thử nhiệt.

2. Tỳ vị hư nhược:

    Dạng này thường gặp ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng hoặc rối loạn tiêu hóa mạn tính. Ngoài những triệu chứng chủ yếu như sốt nóng dài ngày, ra ít mồ hôi, khát nước, tiểu tiện nhiều, bệnh nhi còn biểu hiện mệt mỏi, uể oải, kém ăn, đại tiện lỏng, da mặt vàng nhợt.

    Phép chữa chủ yếu là kiện tỳ, kết hợp chống nắng nóng.

    Có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc:

        (1) Cháo đậu xanh hạt sen: Dùng đậu xanh 30g, hạt sen (bỏ tim) 50g, gạo nếp 50-100g, đường trắng lượng thích hợp; trước tiên nấu chín đậu xanh, sau đó cho hạt sen và gạo nếp vào nấu tiếp đến khi gạo chín nhừ, thêm đường trắng cho đủ ngọt là được; chia ra 3 lần ăn trong ngày.

        Có tác dụng kiện tỳ, thanh thử nhiệt; có thể sử dụng chữa trẻ nhỏ sốt mùa hè do tỳ vị hư nhược.

        (2) Canh thịt lợn voòng phá: Dùng lá và cành non cây voòng phá 15g, thịt lợn nạc 100g, mắm muối một chút; thịt lợn thái miếng nhỏ, voòng phá thái ngắn, thêm nước, nấu đến khi thịt chín, vớt voòng phá ra, thêm mắm muối gia vị là được.

        Cây "voòng phá" trong Đông y gọi là "độc cước kim", mọc hoang khắp nơi từ đồng bằng đến miền núi ở nước ta; có tác dụng hạ sốt, giải khát, kiện tỳ, tiêu thực. Thịt lợn nạc tính bình, vị ngọt; có tác dụng tư âm, nhuận táo, sinh tân. Hai thứ kết hợp tạo nên tác dụng cộng đồng "Hạ sốt, kiện tỳ, tiêu thực, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể".

3. Thận dương hư:

    Dạng này hay gặp ở trẻ nhỏ chậm lớn, do tạng thận bẩm sinh yếu ớt.

    Chứng trạng: Ngoài những triệu chứng chủ yếu như phát sốt lâu ngày, ra ít mồ hôi, khát nước, tiểu tiện nhiều (nước tiểu trong), bệnh nhi còn có những biểu hiện như mặt trắng nhợt, chân tay yếu ớt, đầu ngón chân ngón tay hơi lạnh, tinh thần uể oải, kém ăn.

    Phép chữa chủ yếu là bổ thận và thanh thử nhiệt.

    Có thể cho trẻ uống "Lục vị địa hoàng hoàn" (có bán ở các hiệu thuốc), có tác dụng bổ thận, bổ tiên thiên bất túc.

    Đồng thời hàng ngày cho uống loại trà:

        Trà kén tằm táo tầu: Dùng kén tằm 20 cái, táo tầu 20 quả; sắc nước uống thay trà trong ngày.

        Kén tằm tính ôn, vị cam; từ xưa vẫn được dùng chữa chứng thận hư, uống nhiều đái nhiều. Táo tầu có tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ dưỡng can tỳ, tăng cường tiêu hóa. Hai thứ kết hợp tạo nên tác dụng bổ thận, chống khát, điều hòa tạng phủ; dùng lâu ngày sốt sẽ giảm dần.

• LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG

    Do bị sốt lâu ngày, cơ thể trẻ nhỏ bị suy yếu, nên cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.

    Tuy nhiên, do sốt dài ngày, chức năng tiêu hóa đã suy yếu, vì vậy không nên cho trẻ ăn quá nhiều, quá no; cần sử dụng những thức ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, với lượng vừa phải. Mặt khác, do tiểu tiện nhiều, lượng nước và muối khoáng tổn thất tương đối lớn, nên cũng cần bổ sung thêm nước và muối khoáng.

    Nói chung, nguyên tắc ăn uống đối với bệnh sốt mùa hè ở trẻ nhỏ là: Uống đủ nước, thức ăn dễ tiêu và giàu chất dinh dưỡng; đặc biệt là có đủ chất đạm (protein), vitamin và muối khoáng. Không nên cho trẻ ăn những món xào, rán nhiều mỡ, để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa.


Lương y HUYÊN THẢO