Mật ong có tác dụng giảm béo? 16/10/2012 12:46:58 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Thời gian gần, tôi đọc trên mạng và nghe một số người nói: Mật ong có tác dụng giảm béo rất tốt. Tôi rất thắc mắc, không biết rõ hư thực ra sao? Rất mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Nguyễn Thị Mai Hương, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đáp:

mật ong

Để trả lời câu hỏi của bạn, trước hết cần nhắc lại những tính chất và tác dụng kinh điển của mật ong, đã được kiểm nghiệm trên thực tế qua hàng ngàn năm và chứng thực bởi các nghiên cứu hiện đại.

Các tài liệu cổ còn lưu lại rất nhiều ghi chép về tính năng và tác dụng mật ong:

    - "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y, xếp mật ong vào loại thượng phẩm và cho rằng: Sử dụng mật ong lâu dài giúp thần chí mạnh mẽ và thân thể nhẹ nhàng (cửu phục cường chí khinh thân), không thấy đói và kéo dài tuổi xuân (bất cơ bất lão).

    - Theo sách thuốc Đông y hiện đại: Mật ong có vị ngọt, tính bình, vô độc; vào các kinh Phế, Tỳ và Đại tràng. Có tác dụng bổ trung (xúc tiến tiêu hóa), nhuận táo, chỉ thống (giảm đau), giải độc, điều hòa các vị thuốc. Dùng chữa cơ thể suy yếu thở hụt hơi (hư suy thiểu khí), phế táo khái thấu (ho do phổi háo), tiện bí (đại tiện táo bón), phúc quản đông thống (đau dạ dày), da viêm loét, ...

    - Người xưa còn ghi lại một số kinh nghiệm liên quan đến cách thức sử dụng và kiêng kỵ: Dùng làm thuốc bổ trung, nhuận phế phải nấu chín. Để giải độc, giảm đau thì dùng sống. Nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến "trung mãn" (đầy bụng). Người có thấp nhiệt đàm trệ, ngực bụng đầy tức, không nên dùng. Người đang ỉa chảy cũng kiêng dùng.

Kết quả nghiên cứu hiện đại đã chứng minh, mật ong chứa hơn 180 loại chất khác nhau. Tuy nhiên, thành phần và hàm lượng các chất trong mật ong phụ thuộc rất nhiều vào chủng loại mật. Ngay đối với một loại, thành phần và hàm lượng các chất cũng phụ thuộc vào địa điểm và thời gian khai thác, chứng tỏ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ảnh hưởng lớn tới thành phần của mật ong.

Thành phần chủ yếu của mật ong là các chất đường. Chất đường trước kia thường gọi là chất đường bột, hiện tại thường gọi là hợp chất carbohydrate. Chất đường là nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể sống. Trong mật ong, đường là thành phần chủ yếu, chiếm tới 70-80%. Trong đó chủ yếu là glucose và fructose, chiếm 85-95% tổng lượng đường. Đó là hai loại đường đơn mà cơ thể có thể trực tiếp hấp thụ và lợi dụng. Thứ đến là đường mía - sacaroza, nói chung không quá 5% lượng đường. Nhưng nếu ong được nuôi bằng mật mía hoặc ở gần nơi có đường mật, thì tỷ lệ sacaroza có thể lên tới 10% hoặc hơn. Ngoài ra, còn chứa một lượng nhỏ các loại đa đường ( polysacharides), như maltose, lactose, raffinose, melizitose, laminarin, ... Như vậy, mật ong là một hỗn hợp rất phức tạp của các chất đường. Là nguồn năng lượng thực phẩm tốt nhất của nhân loại. Theo tính toán, năng lượng do mật ong cung cấp cao, cao gấp 5 lần so với sữa.

Trong mật ong có từ 15-20% nước. Ngoài ra còn có các chất muối vô cơ, các acid hữu cơ (acid focmic, axetic, tactric, malic, ...); các các men tiêu hóa, như men tiêu hóa chất béo (lipaza), chất bột (amylaza), men tiêu hóa chất đường (invectin, reductase), một ít tinh bột, protit, sáp, sắc tố, chất thơm, phấn hoa, ...

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, mật ong có một số tác dụng chủ yếu là:

    1. Bổ dưỡng, tăng lực, kháng lão suy. Vì thành phần dinh dưỡng phong phú và đa dạng; có khả năng xúc tiến tế bào tái sinh, nâng cao khả năng chịu nhiệt, thiếu ô-xy và tăng tính dẻo dai của cơ thể khi làm việc.

    2. Điều hòa cân bằng độ acid-kiềm trong cơ thể. Vì trong mật ong có nhiều loại muối vô cơ tính kiềm, có khả năng trung hòa các ion acid tự do, có lợi đối với việc duy trì cân bằng acid-kiềm trong dịch thể. Do đó có thể phòng ngừa tình trạng mất cân bằng acid-kiềm, do trong thực đơn hàng ngày có quá nhiều thịt, cá, trứng, chất béo, ...

    3. Kháng khuẩn và tiêu viêm.

    4. Điều hòa chức năng của hệ thần kinh, an thần, cải thiện giấc ngủ, khi sử dụng với liều nhỏ. Tuy nhiên, khi dùng liều lớn, thì lại gây hưng phấn thần kinh.

    5. Điều hòa đường huyết và huyết áp; giải độc và bảo vệ gan, ...

Tóm lại, từ xưa đến nay mật ong luôn được tôn vinh là một loại thực phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng và cũng là vị thuốc có tác dụng chữa trị nhiều bệnh.

Trở lại vấn đề sử dụng mật ong để giảm béo.

     Béo phì, về cơ bản là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, là do lượng thức ăn đưa vào cơ thể quá nhiều, vượt quá nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng, cũng như vượt quá khả năng tiêu hóa, hấp thu của cơ thể; thứ hai, là do chức năng chuyển hóa của cơ thể bị suy giảm cùng với tuổi tác hoặc bệnh tật, ... khiến mỡ và các chất cặn bã - sản phẩm của quá trình chuyển hóa (Đông y gọi đó là "đàm trệ"), tích đọng lại ở bụng, mông, đùi, ... sinh ra béo phì.

    Theo thông tin trên một vài website, một vài tờ báo: Một số người đã dùng mật ong để giảm cân, chỉ sử dụng độc vị mật ong pha nước uống thay cơm; hoặc phối hợp mật ong với một số thức ăn, vị thuốc khác, ... đạt kết quả tốt. Theo chúng tôi nghĩ, đó mới là những ví dụ có tính cá biệt, lại chưa được mô tả đầy đủ. Cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thêm, để có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

    Trong các tài liệu mà chúng tôi có trong tay, tuy có đề cập đến việc sử dụng mật ong, phối hợp với các vị thuốc khác, để chữa nhiều loại bệnh, bao gồm cả một số "thể bệnh" thuộc chứng bệnh béo phì. Nhưng không thấy đề cập đến việc sử dụng "độc vị mật ong" để chữa bệnh béo phì. Chúng tôi cũng chưa được chứng kiến trường hợp cụ thể nào, đã sử dụng độc vị mật ong hoặc dùng làm chủ vị, chữa béo phì đạt kết quả tốt.

    Và như trên đã nói, mật ong rất giầu năng lượng (gấp 5 lần sữa bò), sử dụng quá nhiều dễ thể dẫn tới tình trạng dư thừa năng lượng ở đầu vào, mà sinh ra béo phì. Ngoài ra, sử dụng mật ong cũng phải đúng liều lượng và tuân theo một số quy tắc nhất định về kiêng kỵ. Do đó, nếu muốn sử dụng mật ong như một liệu pháp giảm béo phì, cần tiến hành dưới sự tư vấn và giám sát của thầy thuốc chuyên khoa.

Lương y HUYÊN THẢO