Lá và hoa Phù dung có tác dụng gì? 08/01/2012 7:21:45 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Góc sân nhà tôi có cây phù dung do ông nội trồng làm cảnh. Gần đây tôi nghe nói, phù dung cũng có thể sử dụng làm thuốc. Vậy đề nghị "Thuốc vườn nhà" giải thích cho biết, cây phù dung có thể dùng để chữa những bệnh gì, và cách sử dụng như thế nào?

Nguyễn Văn Quân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc

Đáp:

mộc phù dung, mộc liên, cự sương, sương giáng, túy tửu phù dung, đại diệp phù dung, địa phù dung, thủy phù dung, thất tinh, Hibiscus mutabilis L.

Phù dung là loài cây mọc hoang và được trồng khắp nơi để làm cảnh. Cây còn có rất nhiều tên khác như "mộc phù dung", "mộc liên", "cự sương", "sương giáng", "túy tửu phù dung", "đại diệp phù dung", "địa phù dung", "thủy phù dung", "thất tinh", ... tên khoa học là Hibiscus mutabilis L., thuộc họ Bông (Malvaceae).

Phù dung là một cây nhỡ, có cành mang lông ngắn hình sao. Lá 5 cánh, phía cuống lá hình tim, đường kính lá có thể đạt tới 15cm, mép lá có răng cưa, mặt dưới có nhiều lông hơn. Hoa lớn, đẹp, mọc đơn độc hoặc tụ lại thành chùm. Hoa phù dung có đặc điểm khi mới nở vào buổi sáng hoa có màu trắng, đến chiều thì ngả màu hồng đỏ (do trong lá có chất anthoxyanozit). Quả hình cầu, có lông màu vàng nhạt. Hạt hình trứng, có nếp nhăn nhỏ, mang lông dài.

Đông y thường dùng lá và hoa phù dung làm thuốc, trong một số trường hợp còn dùng cả vỏ rễ. Lá thường hái vào hai mùa hè, thu: Cắt lấy phiến lá, phơi khô trong bóng râm (âm can), bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng gió để dùng dần; cần thường xuyên phơi lại để chống ẩm mốc. Hoa thường hái vào lúc hoa nở, đem phơi trong bóng râm hoặc sấy khô dùng dần. Rễ chỉ nên đào khi cần thiết.

• Theo Đông y:

    - Lá phù dung: Có vị cay, khí bình; có tác dụng lương huyết (mát máu), giải độc, tiêu thũng (chữa phù thũng), chỉ thống (giảm đau); thường dùng chữa mụn nhọt sưng nóng đau nhức, đau mắt đỏ, zona (giời leo), bị đòn ngã chấn thương, ...

    - Hoa phù dung: Có vị cay, khí bình; có tác dụng thanh nhiệt (giải nhiệt), lương huyết (mát máu), tiêu thũng, giải độc; thường dùng chữa ung thũng, đinh nhọt, bỏng, ho do phế nhiệt (tạng phế bị nóng), thổ huyết, băng lậu, khí hư (bạch đới), ...

Trên thực tế, trong dân gian thường dùng lá và hoa phù dung để chữa trị các loại mụn nhọt.

• Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi: Lá tươi và hoa tươi được nhân dân giã đắp mụn nhọt đang mưng mủ, để hút mủ và làm cho đỡ đau. Có thể dùng lá hoặc hoa phơi khô tán nhỏ, khi dùng thêm nước chè đặc, trộn đều thành một thứ bột nhão, đắp lên chỗ sưng đau. Khi thuốc khô lại thay thuốc khác. Nếu mụn mới mưng mủ, có thể đỡ đau và mụn sẽ tiêu đi; nếu mụn đã chín sẽ chóng vỡ mủ.

• Theo sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân (Trung Quốc): Lá và hoa phù dung có khí bình, không nóng và không lạnh, vị hơi cay, lại có tính trơn nhớt dính, dùng chữa ung nhọt có tác dụng thần kỳ. Các thầy lang chữa bệnh ngoài da, do muốn giữ bí mật nên đặt tên thuốc là "thanh lương cao", "thanh lộ tán", "thiết cô tán", ... thực ra, những loại thuốc đó đều được chế từ cây phù dung. Dùng lá, hoa hoặc vỏ rễ phù dung, có thể chữa khỏi tất cả các loại ung nhọt như phát bối, nhũ ung (viêm tuyến vú), chín mé, xà đan (zona - "giời leo" theo cách gọi dân gian), ... Dù là đã mưng mủ hay chưa mưng mủ, đã vỡ miệng hoặc chưa vỡ miệng đều có thể chữa được. Dùng tươi hay phơi khô nghiền mịn đều được. Trộn với mật bôi kín chung quanh, để hở đầu nhọt, thuốc khô thì thay. Mới bôi có cảm giác dễ chịu, mát, đỡ đau nóng và hết sưng; đã mưng mủ thì mủ độc tụ lại và tiêu đi; đã vỡ mủ thì mủ dễ chảy ra và mau lành miệng. Nếu thêm chút "xích tiểu đậu" (loại đậu đỏ nhỏ hạt) tác dụng càng tốt.

• Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy: Dịch chiết 10% hoa và lá phù dung có tác dụng ức chế khá mạnh đối với tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết và trực khuẩn mủ xanh; với trực khuẩn thương hàn và coli cũng có tác dụng ức chế ở mức độ nhất định.

• Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Chữa tất cả các loại ung nhọt: Lá phù dung phơi khô, nghiền mịn; quả ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) sao tồn tính (rang hoặc đốt to lửa cho đến khi mặt thuốc cháy đen như than, nhưng bên trong vẫn giữ nguyên màu thuốc), nghiền mịn; hai thứ lượng bằng nhau; hoà với mật ong trộn đều. Dùng để chữa tất cả các loại mụn nhọt như hậu bối, mụn đầu đinh, nhọt bọc, chín mé, sưng vú (nhũ ung), ...

    (2) Chữa zona (giời leo): Dùng lá hoặc hoa phù dung phơi khô trong bóng râm (âm can), tán bột, trộn với giấm gạo, bôi vết thương, ngày bôi 3-4 lần.

    (3) Chữ bỏng: Dùng hoa phù dung tươi ngâm với dầu ăn, khi hoa chìm xuống đáy thì lọc lấy dầu, đựng vào lọ nút kín dùng dần; dùng gạc hoặc bông vô trùng thấm dầu thuốc, bôi nhẹ lên viết bỏng, ngày 2-3 lần.

    (4) Chữa ho ra máu: Dùng hoa phù dung 9-10 bông, sắc nước uống, ngày 2-3 lần.

    (5) Chữa đau mắt đỏ: Dùng lá phù dung phơi khô trong bóng râm (âm can), tán mịn, trộn với nước thành thứ bột nhão, đắp lên 2 thái dương, dùng băng dính cố định lại, ngày thay thuốc 2-3 lần.

    (6) Chữa kinh nguyệt kéo dài không dứt: Dùng hoa phù dung khô 10-15g (20-30g tươi), sắc nước uống trong ngày.

    (7) Viêm âm đạo: Dùng lá phù dung tươi khoảng 1kg, sắc lấy nước ngâm rửa, mỗi ngày một lần.

    (8) Viêm khớp: Dùng hoa hoặc lá phù dung 15g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 15g, hai thứ nghiền nhỏ, trộn với mật ong, đắp lên những chỗ khớp bị viêm. Cũng có thể chỉ dùng lá phù dung, phơi khô, tán bột, trộn mật ong đắp vào chỗ khớp xương bị viêm.

Lương y HƯ ĐAN