Hoa quỳnh - Vị thuốc quý 15/05/2012 8:49:48 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Nhà tôi trồng khá nhiều cây hoa quỳnh. Có đêm hoa nở rộ, trắng xóa, tôi đếm được gần 50 bông, hoa rất đẹp và hương thơm dịu nhẹ. Tôi chỉ tiếc là hoa mau tàn quá, hôm sau đã thấy hoa rủ xuống. Tôi nghe người ta nói, hoa quỳnh có thể luộc hoặc nấu canh ăn và làm thuốc chữa bệnh được. Tôi rất băn khoăn, không biết những điều người ta nói có đúng hay không? Tôi rất mong "Thuốc vườn nhà" giúp tôi mau chóng giải tỏa thắc mắc đó. Vì nếu hoa quỳnh thực sự có ích, tôi sẽ gom lại để dùng khi cần thiết và mách cho mọi người cùng biết cách sử dụng.

Hồ Nhân Hiến, H. Krông Pắc, T. Đắc Lắc

Đáp:

hoa quỳnh, đàm hoa, phượng hoa, kim câu liên, nữ hoàng trong đêm, Epiphyllum oxypentalum (DC.) Haw.

Hoa quỳnh là cây gốc Trung và Nam Mỹ (từ Mêhicô đến Brazin), được du nhập vào trồng ở nước ta từ lâu đời, chủ yếu để làm cảnh vì có hoa đẹp. Hoa quỳnh còn có tên khác là "đàm hoa", "phượng hoa", "kim câu liên", "nữ hoàng trong đêm", ... tên khoa học là Epiphyllum oxypentalum (DC.) Haw., thuộc họ Xương rồng.

Về mặt thực vật, cây hoa quỳnh là loài cây bụi nhỏ, có thân cứng, mọc đứng, mọng nước, cao 2-3m, các nhánh dẹt, mỏng, khía tai bèo. Hoa to, màu trắng, dài tới 30-35 cm, đường kính 6-10cm, mọc thõng xuống, hương thơm mát dịu, nở về đêm, thời gian hoa nở ngắn, chỉ trong vài giờ. Bông quỳnh gồm nhiều phiến hoa, xếp theo hình xoắn ốc, các phiến trong màu trắng; nhị hoa màu trắng, xếp thành hai dãy; vòi và đầu nhụy màu trắng.

Hoa và thân của cây hoa quỳnh đều có thể sử dụng làm thuốc. Hoa thu hái khi nở, có thể dùng tươi, phơi khô, hay ngâm rượu. Thân có thể thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

Theo Đông y:

    - Hoa quỳnh có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh phế (mát phổi), chỉ khái (chống ho), hóa đàm (làm loãng đờm, tan đờm), tiêu viêm (sưng đỏ đau), cầm máu. Liều dùng: 9-18g sắc uống.

    - Thân cây có vị chua mặn, tính mát; có tác dụng tiêu thũng, tiêu viêm, chỉ thống (chống đau).

Ở nước ta, dân gian thường dùng hoa quỳnh chữa ho ra máu trong bệnh lao phổi, chữa tử cung xuất huyết, viêm họng, khản tiếng, dùng ngoài chữa đinh nhọt, chấn thương da bầm tím (ứ máu cục bộ). Vùng Vân Nam (Trung Quốc) toàn cây được dùng chữa đòn ngã tổn thương, đau tâm vị (tâm vị khí thống, đau quanh rốn), thổ huyết, lao phổi.

Hoa quỳnh cũng có thể sử dụng để chế biến món ăn, nhưng theo chúng tôi nghĩ, đó là loại món ăn dùng để chữa bệnh (dược thiện), chỉ nên sử dụng trong trường cơ thể bị mắc một số chứng bệnh nhất định, không nên dùng thường xuyên giống như cơm gạo.

Trong điều kiện gia đình, bạn có thể sử dụng hoa quỳnh để làm thuốc chữa bệnh, theo một số cách thức như sau:

    (1) Chữa ho ra máu trong bệnh lao phổi: Dùng hoa quỳnh 3-5 bông, đường kính 15g; sắc nước uống trong ngày.

    (2) Chữa lên cơn hen: Dùng hoa quỳnh, kim ngân hoa - mỗi thứ 9-12g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (3) Chữa đinh nhọt, đòn ngã sưng đau: Dùng hoa quỳnh hoặc thân cây giã nát, đắp vào chỗ da bị bệnh.

    (4) Món ăn chữa tử cung xuất huyết: Dùng hoa quỳnh 2-3 bông, thịt lợn nạc 50-100g, thái nhỏ, thêm mắm muối gia vị, cùng chưng cách thủy, làm thức ăn trong bữa cơm chính.

    (5) Rượu hoa quỳnh: Khi hoa quỳnh nở, cắt hoa cho vào bình thủy tinh lớn, đổ thêm rượu gạo, ngập trên mặt hoa 3-5cm. Hoa ngâm trong rượu có thể bảo quản tới hàng năm, nên vẫn có thể thưởng ngoạn (ngắm) và sử dụng làm thuốc mỗi khi cần thiết. Khi bị đau bụng do ăn uống, có thể uống 1-2 thìa cà phê (khoảng 5-10ml), như uống rượu quế chữa đau bụng; khi bị viêm họng, ho, rát họng, có thể ngậm 1-2ml, sẽ thấy đỡ ho và rát họng; còn khi trên da mọc đinh, nhọt, hoặc chẳng may bị té ngã, da tím bầm, có thể dùng bông thấm rượu thuốc bôi vào, ngày 2-3 lần

Thông thường, kiếm được 5-7 bông hoa quỳnh, đã là việc khó, trong khi đó vườn nhà bạn lại đang có rất nhiều hoa quỳnh, đúng là một cơ may hiếm có. Vì vậy, khi hoa quỳnh nở, bạn nên gom lại, phơi khô hoặc ngâm rượu, để sử dụng mỗi khi cần đến.

Lương y HUYÊN THẢO