Hải triết bì - Vị thuốc từ con sứa thường bị hiểu sai 04/08/2014 8:04:33 SA
Thuốc vườn nhà

Rhopilema esculenta Kishinouye, sứa, sứa rô, hải triết, 海蜇

Sứa

Hiện nay trên báo viết và báo mạng, thường viết: "Đông y thường dùng da sứa - lớp vỏ ngoài - gọi là "hải triết bì" làm thuốc".

Thế nhưng, những người đã từng ra biển, có lẽ đều cảm thấy có điều nghi hoặc: "Con sứa mềm nhũn, bùng nhùng như thạch đông, lớp vỏ bên ngoài hết sức mỏng, vậy làm thế nào để tách riêng được lớp "da" của nó, để dùng làm thuốc".

Vị thuốc "hải triết bì" trên thực tế được khai thái, chế biến thế nào?

Sứa là loài nhuyễn thể, thân mềm. Sứa có nhiều loài. Loài sứa hay được Đông y dùng làm thuốc có tên khoa học là Rhopilema esculenta Kishinouye, thuộc họ Sứa rô (Rhizostomidae). Loài sứa này trong "Từ điển động vật & khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam” của TS Võ Văn Chi gọi là "sứa" hoặc "sứa rô". Còn sách "Trung dược đại từ điển" của Trung Quốc gọi là "hải triết" (海蜇).

Theo sách "Trung dược đại từ điển", thân sứa chia thành 2 phần: Bộ phận ở phía trên, nhìn như cái dù (cái ô) gọi là "Tản bộ" (伞部) và phần vòi miệng, ở phía dưới gọi là "Khẩu uyển bộ" (口腕部). Phần thân dù (tản bộ) ở phía trên, có hình bán cầu, đường kính 25-30cm, có thể tới 50cm. Phía dưới đáy dù (ô) có 8 vòi miệng; mỗi vòi lại phân nhánh, đầu mút mỗi vòi có một chi phụ (phụ chi) hình que.

Con sứa cho 2 vị thuốc: Phần vòi miệngphần dù sứa.

Khi dùng làm thuốc, phần vòi miệng thường gọi là "hải triết" (海蜇) hoặc "hải triết đầu" (海蜇头); còn gọi là "thạch kính" (石镜), "thủy mẫu" (水母), "thủy mẫu tiên" (水母鲜), ... Còn phần dù (ô) phía trên gọi là "hải triết bì" (海蜇皮); còn gọi là "bạch bì tử" (白皮子); "bạch bì chỉ" (白皮纸), "thu phong tử" (秋风子), "sá bì" ( 姹皮); "la bì" (罗皮); ...

Chế biến: Sứa bắt về được ngâm trong nước sạch, thay nước nhiều lần, cho hết vị mặn và sạch hết cát; sau đó thái nhỏ. Dùng để ăn hoặc dùng làm thuốc.

Hiện nay, nếu đọc báo viết và báo mạng, ta thấy những câu "... Theo Đông y, sứa có tên hải triết. Bộ phận hay được dùng làm thuốc là da sứa có tên hải triết bì ..." hay "... Lớp vỏ ngoài của hải triết gọi là hải triết bì ..." xuất hiện với tần suất khá lớn.

Tuy nhiên, theo như "Thuốc vườn nhà" được biết, vị thuốc "da sứa" hay "lớp vỏ ngoài của hải triết", đều không thấy nói đến trong các sách thuốc chính thống của Đông y. Có thể tác giả của những đoạn nói trên đã hiểu chữ "bì" một cách máy móc ("bì" = da, "hải triết" = con sứa). Trong khi đó, y gia thời xưa lại sử dụng thuật ngữ "hải triết bì" để chỉ bộ phận hình bán cầu trên lưng con sứa - khi dùng làm thuốc.

Xin nói cụ thể hơn về tác dụng chữa bệnh của các bộ phận của con sứa:

1. Hải triết (vòi miệng, tua miệng):

    - Theo sách "Bản thảo cương mục": Có vị mặn, tính ấm". Theo sách "Bản thảo cầu chân" và "Tùy tức cư ẩm thực phổ": Đi vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, hành ứ hóa tích, sát trùng chỉ thống, khai vị nhuận tràng, ... Dùng chữa đàm thấu (ho nhiều đờm), háo suyễn, bĩ tích trướng mãn, đại tiện táo kết; cước thũng, đàm hạch, băng trung đới trọc, đan độc, điên giản, bĩ trướng, cước khí; ...

    - Liều dùng: Sắc nước uống từ 1-2 lạng (30-60g); hoặc trộn với gừng, giấm ăn.

    - Kiêng kỵ: Theo "Bản thảo cầu nguyên", người tỳ vị hàn nhược, không nên ăn.

2. Hải triết bì (phần thân hình bán cầu phía trên):

    - Theo sách "Cương mục thập di" và "Bản thảo toát yếu": Vị hàm sáp, tính ôn (vị mặn chát, tính ấm); vào Túc quyết âm kinh. Có tác dụng hóa đàm, tiêu tích, trừ phong, trừ thấp. Dùng chữa bĩ khối, đầu phong, bạch đới, đau xương bánh chè do phong thấp, vô danh thũng độc (các loại ung nhọt không rõ nguyên nhân), ...

    - Liều dùng: Sắc nước uống; hoặc trộn với rượu, gừng, giấm ăn. Dùng ngoài đắp lên chỗ bị bệnh.

Có thể nhận thấy, "hải triết" và "hải triết bì" tuy có một số tác dụng chung, nhưng mỗi thứ lại có một số tác dụng đặc thù, do đó người xưa mới phân chúng thành 2 vị thuốc riêng biệt.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng con sứa:

    (1) Trị âm hư đàm nhiệt, đại tiện táo kết: Dùng hải triết 30g, mã thầy 4 củ; nấu canh ăn. Dùng chữa người âm tinh hao tổn, hư hỏa bốc lên gây đàm nhiệt, đại tiện táo bón; có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ (Theo "Cổ phương tuyển chú" - Tuyết canh thang).

    (2) Chữa các chứng tích trệ ở trẻ nhỏ: Dùng hải triết và củ mã thầy - mỗi vị dùng liều lượng thích hợp tùy theo tuổi; thêm nước, cùng nấu chín. Bỏ sứa, chỉ ăn củ mã thầy. Có tác dụng chữa trẻ nhỏ bụng đầy trướng, trong bụng có hòn cục, sưng hạch, ... (Theo "Cương mục thập di").

    (3) Trị đầu phong: Dùng hải triết bì dán lên hai huyệt thái dương (Theo "Cương mục thập di").

    (4) Chữa đau xương bánh chè do phong thấp: Dùng hải triết bì dán lên đầu gối (Theo "Cương mục thập di").

    (5) Chữa vô danh thũng độc: Dùng hải triết bì trộn với đường cát giã nhuyễn, dắp lên chỗ bị bệnh, ở giữa để hở 1 lỗ. Loại ung nhọt nặng thì sẽ vỡ mủ, loại nhẹ thì sẽ tiêu tan (Theo "Y phương tập thính").

    (6) Chữa lưu hỏa: Dùng hải triết bì đắp lên chỗ bị bệnh, thấy rát thì gỡ ra (Theo "Cương mục thập di").

    "Lưu hỏa" còn gọi là "hỏa đan", "đan độc" - là chứng nhiệt độc cấp tính ở ngoài da. Vùng da có bệnh đỏ như son nên gọi là "đan độc". Bệnh thường phát ở bắp chân và vùng mặt. Nơi mắc bệnh có từng mảng sưng đỏ, gồ cao hơn mặt da bình thường, có bờ rõ, bề mặt trơn bóng loáng, sờ thấy rắn chắc, vùng kế cận nổi hạch; kèm theo rét run, sốt cao, nhức đầu, đau khớp, ... Nguyên nhân do huyết phận có nhiệt, phát ra ngoài bì phu mà sinh bệnh; có khi do da bị xây xước, nhiễm phải dịch độc mà sinh bệnh.


Lương y HUYÊN THẢO