"Hà thủ ô trắng" tốt hơn "hà thủ ô đỏ"? 01/06/2015 9:53:40 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe một số người nói, loại cây Hà thủ ô trắng tốt hơn loại cây Hà thủ ô đỏ. Chế biến bằng cách "cửu tẩm, cửu đãi", tức 9 lần ngâm nước đỗ đen, 9 lần phơi khô, sau đó sao vàng ngâm rượu uống sẽ tốt cho sức khỏe. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết: Có đúng hay không và khi ngâm rượu phối hợp với loại thảo dược nào có tác dụng tốt hơn?

Bạch Lan, Quảng Ninh

Đáp:

Từ xưa, "hà thủ ô" đã được phân chia thành 2 loại đỏ và trắng, trong đó "hà thủ ô đỏ" (xích thủ ô) được coi là "chính phẩm".

hà thủ ô đỏ, dạ giao đằng, dạ hợp, địa tinh, khua lình, mằn năng ón, Radix Polygoni multiflori, Polygonum multiflorum Thunb., họ Rau răm, Polygonaceae


Hà thủ ô đỏ

"Hà thủ ô đỏ" còn có tên là "dạ giao đằng", "dạ hợp", "địa tinh", "khua lình" (dân tộc Thái), "mằn năng ón" (đồng bào Thổ), ...vị thuốc "hà thủ ô đỏ" (Radix Polygoni multiflori) là rễ củ phơi khô của cây "hà thủ ô đỏ", có tên khoa học là Polygonum multiflorum Thunb., thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). "Thuốc vườn nhà" đã giới thiệu khá chi tiết về vị thuốc này (xem Tại đây).

"Hà thủ ô trắng" là vị thuốc phát hiện muộn hơn, dược liệu không hoàn toàn đồng nhất vì được khai thác từ một số chi khác nhau thuộc họ Thiên lý.

hà thủ ô trắng, củ vú bò, dây sữa bò, cây sừng bò, Streptocaulon juventas Merr., họ Thiên lý, Asclepiadaceae, bạch thủ ô, thái sơn hà thủ ô, thái sơn bạch hà thủ ô, hòa thượng ô, ngưu bì tiêu, Cymanchum bungei Decne


Hà thủ ô trắng

Tại Việt Nam, "hà thủ ô trắng" được khai thác từ rễ củ của loài cây có tên là "củ vú bò", "dây sữa bò", "cây sừng bò", tên khoa học là Streptocaulon juventas Merr., thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

Còn ở Trung Quốc, vị thuốc "hà thủ ô trắng" có tên là "bạch thủ ô", còn có tên khác là "thái sơn hà thủ ô", "thái sơn bạch hà thủ ô", "hòa thượng ô", ... được khai thác từ rễ củ của cây "ngưu bì tiêu", có tên khoa học là Cymanchum bungei Decne, cùng thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

Như vậy, "hà thủ ô trắng" khai thác trong nước và "hà thủ ô trắng" nhập của Trung Quốc, sẽ là rễ củ của những cây thuộc các chi khác nhau.

Về công hiệu, người xưa cho rằng, hai loại "hà thủ ô đỏ" và "hà thủ ô trắng" có tính năng tương tự, đều có tác dụng bổ tinh huyết, đều sử dụng để chữa chứng tinh huyết hư suy, lưng gối yếu mỏi, hoa mắt chóng mặt, tai ù, ...

Kinh nghiệm thực tế của Đông y cho thấy, "hà thủ ô trắng" có tính năng tương đối bình hòa, tác dụng tư bổ tương đối yếu (không bằng "hà thủ ô đỏ"), thích hợp với những trường hợp hư tổn tương đối nhẹ.

Tóm lại: Cả hai loại hà thủ ô đều là thuốc bổ, tác dụng cũng tương tự, nhưng thứ đỏ được coi là "chính vị", còn thứ trắng thì chất lượng coi như kém hơn.

Ngoài việc phân biệt "hà thủ ô đỏ" và "hà thủ ô trắng", khi sử dụng hà thủ ô còn cần phân biệt giữa "hà thủ ô sống" và "hà thủ ô chế", vì tính năng của chúng khác nhau.

"Hà thủ ô sống" (sinh hà thủ ô) thường dùng chữa lở ngứa sưng đau, đại tiện táo bón, tràng nhạc, sốt rét lâu ngày, ... Còn "hà thủ ô chế" dùng để bồi bổ, chữa các chứng hư tổn, tinh suy huyết thiểu, người gầy yếu, da thịt xanh xao vàng vọt, đầu choáng, mắt hoa, tai ù, râu tóc bạc sớm, lưng gối đau mỏi.

Cách chế hà thủ ô tuy không phức tạp, nhưng tốn nhiều thời gian và nhiên liệu.

Phương pháp thông dụng nhất là: Hà thủ ô thái lát, ngâm nước vo gạo một ngày đêm, rửa lại cho sạch rồi tiếp tục chế với nước đậu đen. Mỗi 1kg hà thủ ô cần dùng 100g đậu đen. Cho đậu đen vào nồi, đổ khoảng 2 lít nước, nấu cho đậu đen chín nhừ rồi chắt lấy nước. Trộn hà thủ ô với nước đỗ đen, cho vào đồ đựng (không dùng đồ sắt), đặt vào nồi hấp cho đến khi nước đỗ đen thấm hết vào các miếng hà thủ ô, sau đó lấy ra phơi hoặc sấy khô là được.

Đó là cách chế thông thường. Muốn chế kỹ cần "cửu chưng cửu sái" - nghĩa là nấu và phơi hà thủ ô với nước đậu đen như trên 9 lần.

Còn khi ngâm rượu nên phối hợp với những vị thuốc nào có tác dụng tốt nhất, thì tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và mục đích sử dụng.

Thí dụ:

    - Người huyết kém (huyết hư), cần bổ huyết mạnh, thì nên phối hợp với thục địa, đương quy, bạch thược, ...

    - Người khí hư, hay vã mồ hôi, kém ăn, thì nên phối hợp với nhân sâm, hoàng kỳ, ...

    - Người can thận bất túc, âm tinh khuy tổn, khiến râu tóc sớm bạc, lưng gối yếu mỏi, hay choáng đầu hoa mắt, tai ù, nặng tai, thì phối hợp với những vị thuốc có tác dụng bổ thận ích tinh, như bổ cốt chi, câu kỷ tử, thỏ ti tử, ...

Nói chung, tốt nhân nên có sự tư vấn cụ thể của thầy thuốc Đông y chuyên nghiệp.


Lương y HƯ ĐAN