Dùng Trường sinh thảo để giảm béo 21/12/2011 1:56:39 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tháng trước người bạn từ Hà Nội vào công tác có cho tôi 1kg "Trường sinh thảo" mà chị đã dùng để giảm béo, tác dụng rất tốt. Tôi cũng bị béo phì và muốn dùng thử nhưng chưa biết rõ tác dụng ra sao; có phải ai cũng uống được không? Rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ dẫn cho biết.

Phạm Thị Thành, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Đáp:

IMG

"Trường sinh thảo" trong Đông y gọi "Quyển bá", cây còn có tên là "cỏ chân vịt", "vạn niên tùng", "hồi sinh thảo", "kiến thủy hoàn dương", "cải tử hoàn hồn thảo", ... tên khoa học là Selaginella tamariscina (Beauv.) Spring.

Cây chịu được khô hạn, khi gặp nước ẩm cành lại mọc tươi tốt, vươn ra bên ngoài, từ đó có tên "hồi sinh thảo" (cỏ sống trở lại), hay "kiến thủy hoàn dương" (gặp nước sống trở lại), gọi chệch ra là "trường sinh thảo" (cỏ sống lâu), "cải tử hoàn hồn thảo", ... và cũng từ đó một số người đã gán cho cây nhiều tác dụng kỳ diệu mà bản thân cây thuốc không có.

Theo Đông y: Quyển bá dùng tươi có vị cay, tính bình; nướng hoặc sao lên, có vị cay, tính ấm. Để sống có tác dụng phá huyết (hoạt huyết, hóa ứ rất mạnh), dùng chữa bế kinh, tích trệ, u bướu, đòn ngã tổn thương, đau bụng, hen suyễn. Sao cháy có tác dụng cầm máu, dùng chữa thổ huyết, đại tiểu tiện lẫn máu, thoát giang (sa trực tràng), ... Liều dùng hàng ngày 1-9g sắc uống; dùng ngoài giã đắp hoặc tán bột bôi. Phụ nữ đang mang thai cấm dùng.

Theo chúng tôi nghĩ, người bạn của bạn bị béo phì thuộc loại hình "Khí trệ huyết ứ" theo cách phân loại của Đông y nên sử dụng có kết quả tốt. Vì như trên đã nói, quyển bá có tác dụng hóa ứ trệ mạnh. Tuy nhiên, bệnh béo phì còn có nhiều loại hình khác nữa. Đối với mỗi loại hình cần sử dụng loại thuốc tương ứng, không thể dùng quyển bá để chữa trị béo phì thuộc tất cả các loại hình.

Tóm lại muốn sử dụng thử, bạn nên đi khám để xác định xem bạn có bị béo phì thuộc loại hình "Khí trệ huyết ứ" hay không.

Lương y HUYÊN THẢO