Dùng bèo cái chữa bệnh ngoài da 20/05/2013 7:51:22 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe nói, cây bèo cái có thể sử dụng để chữa bệnh lở ngứa ngoài da rất tốt. Đề nghị "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" cho biết có đúng hay không? Nếu đúng thì phương pháp sử dụng cụ thể như thế nào?

N.T.M, Hà Nội

Đáp:

bèo cái, bèo ván, bèo tai tượng, phù bình, tử bối phù bình, thanh bình, bèo tía, Pistia stratiotes L., họ Ráy (Araceae)

Bèo cái

Bèo cái còn có tên là "bèo ván", "bèo tai tượng", "bèo tía", ... tên khoa học là Pistia stratiotes L., thuộc họ Ráy (Araceae).

Bèo cái là loài cây mọc nổi trên mặt nước, không có thân. Lá mọc từ gốc thành hình hoa thị. Phiến lá hình trứng dài độ 2-10cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, những lá ở giữa nhỏ hơn, ở phía dưới tròn. Thứ mặt trên xanh, dưới hơi tía là tốt. Cụm hoa nhỏ mọc từ giữa các lá, có mo màu trắng nhạt, hình ống không đều. Quả mọng, hình trứng có nhiều hạt xù xì.

Bèo cái mọc hoang ở khắp những nơi có hồ ao và thời trước được trồng làm thức ăn nuôi lợn. Trong Đông y, bèo cái được sử dụng làm thuốc với tên "phù bình". Vị thuốc phù bình là bèo cái đã loại bỏ tạp chất (có thể bỏ rễ), phơi hoặc sấy khô.

Bèo cái có 2 loài thường gặp: Loại tía Đông y gọi là "Tử bối phù bình" và loại xanh gọi là "Thanh bình"; cả 2 loài đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng Đông y cho rằng bèo cái tía có tác dụng tốt hơn.

Theo Đông y: Phù bình có vị cay, tính hàn; vào kinh Phế và Bàng quang. Có tác dụng làm ra mồ hôi (phát hãn), trừ phong, hành thủy, thanh nhiệt giải độc, kích thích tóc mọc, ... Thường dùng làm thuốc giải cảm nóng (cảm phong nhiệt không có mồ hôi), chữa ban chẩn, mề đay, đơn độc, da lở ngứa, ...

Cách sử dụng bèo cái để chữa trị một số bệnh ngoài da thường gặp:

    (1) Mùa nóng khắp người mẩn ngứa, sưng phù: Bèo bỏ rễ, bạc hà, kinh giới - mỗi thứ một nắm (khoảng 30g); sắc nước uống và xông rửa.

    (2) Chữa ngứa da: Bèo cái tía 50g, rửa sạch, sao vàng, sắc với nước uống trong ngày; đồng thời dùng bèo cái tía 200g, nấu nước nước tắm rửa chỗ ngứa ngày 1 lần.

    (3) Chữa cảm phải khí nóng đầu mặt sưng ngứa, đau mắt, khắp mình nổi mẩn ngứa hoặc sưng phù: Bèo bỏ rễ, bạc hà, kinh giới - mỗi thứ một nắm (khoảng 30g); sắc nước uống và xông rửa.

    (4) Chữa toàn thân nổi mề đay do nóng (phong nhiệt): Dùng bèo cái 20g, kinh giới 10g, cam thảo 6g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

    (5) Chữa xạm da:

        - Bèo cái bỏ rễ rửa sạch, phơi khô, nghiền thành bột thật mịn, trộn với nước giấm 5% (pha 5ml giấm ăn với 95ml nước đun sôi để nguội) sẽ được một thứ "kem" (bột nhão); đắp lên da mặt làm mặt nạ; mỗi ngày đắp 1 lần, mỗi lần 30 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.

        - Hoặc dùng bèo cái nghiền thành bột mịn, trộn với mật ong thành một thứ cao nhuyễn, cất vào lọ sạch, nút kín dùng dần; hàng ngày tối trước khi đi ngủ, xoa cao lên da mặt và da cổ rồi mát xa nhẹ, sáng dậy dùng nước ấm rửa sạch.

    (6) Chữa mụn trứng cá:

        - Dùng bèo cái tía 15g, thương nhĩ thảo (cành lá cây ké đầu ngựa, cắt ngắn) 15g; cho vào nồi hoặc ấm đất (hoặc ấm gốm), sắc (đun) lấy nước rửa mặt; mỗi ngày rửa 2 lần, buổi sáng và buổi tối; liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-4 ngày rồi lại tiếp tục 1 liệu trình khác, liên tục cho đến khi khỏi bệnh.

        - Hoặc giã nát bèo cái tươi (hoặc đem sấy khô rồi nghiền thành bột mịn) đắp lên những chỗ da có mụn trứng cá; mỗi ngày đắp 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, sáng dậy rửa sạch; liên tục 10 ngày (1 liệu trình).

    (7) Chữa ngứa chân: Dùng bèo cái 30g, vỏ cây râm bụt 30g, khổ sâm 12g, ngải diệp 8g, phèn chua 6g; tất cả các vị thuốc ngâm trong 1500ml giấm ăn trong 1 ngày đêm; sau đó hàng ngày dùng gạc thấm dịch giấm thuốc, đắp lên chân 2 lần, mỗi lần đắp 20 phút.

    (8) Chữa eczêma (chàm): Bèo cái rửa sạch bằng nước thường 3-4 lần, thêm ít muối giã nát, đắp cả nước lẫn cái lên chỗ bị eczêma; lượng bèo nhiều ít tùy thuộc vào diện tích da bị bệnh; thường chỉ đắp 1-2 lần chỗ da bị bệnh không còn chảy nước nữa, điều trị trong vòng 7-10 hôm có thể khỏi hẳn. Nếu kết hợp với uống thuốc lương huyết giải độc kết quả càng tốt.

    (9) Chữa mụn rộp loang vòng: Rửa sạch vết loét bằng nước sắc bèo cái; sau đó dùng bèo cái đã đốt thành tro rắc lên chỗ bị bệnh.


Lương y HƯ ĐAN