Đông dược giải trừ trạng thái u uất trong ngày đông 23/12/2015 9:26:43 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Mùa đông, nhất là những ngày trời âm u, tôi thường bị rơi vào tâm trạng rất bi quan, chán chường, thậm chí có khi như chán cả sống, ... Tôi rất muốn biết, có loại thuốc Nam nào có thể khắc phục được tình trạng nói trên hay không?

Văn Công, Hà Nội

Đáp:

hương phụ, cỏ gấu

Mùa đông, khí hậu lạnh, khiến các quá trình chuyển hóa cơ bản và chức năng sinh lý của cơ thể tạm thời bị ức chế. Trong giai đoạn này, chức năng nội tiết của tuyến yên và vỏ tuyến thượng thận, cũng dễ bị rối loạn. Do đó, những ngày mùa đông, nhất là những hôm trời u ám, người ta rất dễ bị lâm vào trạng thái trầm uất, bi quan, chán chường.

"Tâm bệnh" (bệnh tâm thần) cần chữa bằng "tâm dược" (liệu pháp tâm lý). Để hóa giải trạng thái trầm uất, cần tiến hành tự điều tiết tâm lý bằng cách tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tập thể, như tham quan, du lịch, ... giao lưu với bạn hữu có cùng sở thích; tích cực luyện tập những môn thể dục hay thể thao phù hợp với điều kiện của mình, ... Đặc biệt, còn có thể sử dụng đến sự trợ giúp của một số loại Đông dược, cũng như một số loại trái cây, thảo dược sẵn có ở ngay trong vườn nhà.

Đông y cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới trạng thái trầm uất trong những ngày mùa đông là do chức năng "sơ tiết" (điều tiết khí cơ và tâm trí) của tạng can bị uất kết. Vì vậy, có thể sử dụng những vị thuốc "lý khí", có tác dụng "thư can giải uất" để chữa.

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng một số loại thảo dược, thức ăn có tác dụng "thư can lý khí", sẵn có trong vườn nhà, theo một số phương pháp cụ thể như sau:

(1) Sử dụng trái hoặc lá phật thủ:

    - Phật thủ là trái cây, cũng là vị thuốc. Trong các sách thảo dược, phật thủ được xếp trong loại thuốc "lý khí", sử dụng để chữa trị các bệnh về khí, như khí cơ rối loạn, khí hãm, khí uất, khí kết, ...

    - Theo Đông y: Phật thủ có vị đắng, cay, thơm, tính ấm; có tác dụng sơ can giải uất, lý khí, táo thấp hóa đàm. Chủ trị các chứng "can uất khí trệ", "can vị bất hòa", "tỳ vị khí trệ" - dẫn tới trầm cảm, chán nản, ngực bụng hay mạng sườn đau tức, hay thở dài, lợm giọng buồn nôn, kém ăn, ho nhiều đờm, ...

    - Trong những ngày mùa đông, để cải thiện tinh thần, hàng ngày có thể sử dụng phật thủ tươi 12-15g (hoặc khô 6g), hãm nước sôi uống thay trà trong ngày. Nếu không có quả, có thể sử dụng lá thay thế, nhưng cần tăng liều lượng gấp 2-3 lần (dùng 20-30g lá tươi, hoặc 10-15g lá khô, hãm nước uống). Nên sử dụng theo từng liệu trình.

(2) Sử dụng vỏ quít và củ gấu:

    - Từ xưa, trong giới Đông y đã lưu truyền kinh nghiệmt "Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ" - có nghĩa là "chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu được vị trần bì, còn chữa bệnh cho nữ giới không thể không dùng vị  hương phụ".

    - Trần bì là vỏ quít, đã để lâu năm. Hương phụ là rễ củ của cây cỏ gấu; loại cỏ mọc hoang ở trong vườn, ngoài đồng, ven đường, ... Những người làm vườn đều biết, cỏ gấu là thứ đáng ghét, vì khó tiêu trừ; làm cỏ chỉ cần để sót lại một mẩu thân rễ nhỏ, là chẳng bao lâu từ đó đã mọc lên một cây cỏ mới. Thế nhưng khi làm cỏ, nếu kết hợp thu hoạch củ gấu, thì chúng ta sẽ có được một vị thuốc quý, mà Đông y gọi là "hương phụ".

    - Trần bì và hương phụ, đều là những vị thuốc có tác dụng "lý khí", đều có tác dụng điều tiết khí trong cơ thể và cải thiện trạng thái tinh thần. Riêng hương phụ, ngoài tác dụng lý khí, còn có thêm tác dụng điều hòa kinh nguyệt, vì vậy mới được y gia coi đó là "đầu vị" trong loại thuốc chữa bệnh phụ nữ. Hầu hết bệnh tật, đều là do tinh thần u uất (khí cơ uất kết) sinh ra. Trần bì và hương phụ, đều là những vị thuốc có tác dụng lý khí, cải thiện tinh thần, do đó có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều chứng bệnh, ở cả hai giới nam và nữ.

    - Trong điều kiện gia đình, để giải trừ trạng thái u uất, có thể sử dụng trần bì hoặc hương phụ - mỗi thứ 10-15g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Hoặc sấy khô, tán thàn bột mịn, hòa vào cháo nóng, ăn trong bữa điểm tâm buổi sáng.


Trong Đông y có nhiều phương thuốc kinh điển, có tác dụng cải thiện trạng thái tinh thần, hiệu quả xác thực, ví dụ như "Tứ nghịch tán", "Tiêu dao tán", "Sài hồ sơ can tán", ... Tuy nhiên chúng ta chỉ nên sử dụng chúng, sau khi chữa trị bằng các thứ cây nhà lá vườn nói trên không có kết quả, và nhất thiết cần có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa Đông y.


Lương y HUYÊN THẢO