Đông dược gây suy Thận (Kỳ 3) - Mộc thông "đầu sỏ" gây suy Thận 01/12/2013 11:21:40 CH
Thuốc vườn nhà

>> Đông dược gây suy Thận (Kỳ 1)

>> Đông dược gây suy Thận (Kỳ 2) - Nhận diện "phòng kỷ" gây suy Thận

quan mộc thông

Quan mộc thông - gây suy Thận

Viên thuốc tả hỏa gây suy Thận

    5 năm về trước, bà Vương liên tục bị những cơn "bốc hỏa" hành hạ. Bà thường xuyên cảm thấy nóng bừng mặt, hoa mắt, váng đầu, nhức đầu, họng đau, ... Tới khám Đông y, bà được thầy thuốc khám, bắt mạch và kê đơn cho uống "Long đởm tả can hoàn". Chỉ uống vài hôm là chứng bệnh đã hoàn toàn khỏi. Từ đó về sau, hễ bắt đầu cảm thấy bị lên cơn "bốc hỏa", bà lại tự mình đến hiệu thuốc mua những viên "Long đởm tả can hoàn" về uống, và kết quả cũng thấy khá tốt.

    2 năm sau, bà Vương bắt đầu đi tiểu đêm nhiều lần, nhưng bà chỉ cho đó là dấu hiệu tuổi già, nên cũng không để ý gì nhiều. Kết cục là từ đầu năm nay, bà thường xuyên cảm thấy đuối sức, chán ăn, lợm giọng, thậm chí đôi lúc còn bị nôn. Khi đến bệnh viện khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận bà bị suy Thận mạn tính. Vì bệnh đã tới giai đoạn urê niệu (urinaemia), cho nên định kỳ phải tiến hành điều trị bằng liệu pháp "lọc máu ngoài Thận" (hemodialysis). Sau khi tìm hiểu kỹ bệnh sử và tiến hành phân tích sinh hóa, các thầy thuốc đã phát hiện ra rằng, bà Vương bị suy Thận, do sử dụng lâu ngày "Long đởm tả can hoàn", loại thuốc viên trong thành phần có "quan mộc thông" (trong mỗi viên "long đởm tả can hoàn" có khoảng 0,43g quan mộc thông).

    Bà Vương, chỉ là một trong số rất trường hợp bị suy Thận do sử dụng thuốc viên "Long đởm tả can hoàn" dài ngày, được đăng tải trên "Gia đình trung y dược" - một tạp chí rất có uy tín ở Trung Quốc. Nếu vào "Google" và gõ từ khóa "Long đảm tả can hoàn" bằng tiến Hoa, ta sẽ thấy trên thực tế, đã có rất nhiều người bị suy Thận do tự mua thuốc "Long đởm tả can hoàn" về uống, với mục đích thanh nhiệt tả hỏa, thậm chí một số bệnh nhân tại Trung Quốc đã đâm đơn kiện các hãng thuốc.

    Mộc thông là vị thuốc "lợi thủy thẩm thấp", được ứng dụng cực kỳ rộng rãi trên lâm sàng. Trong Đông y, có rất nhiều phương thuốc kinh điển trong thành phần có dùng mộc thông, ví dụ như "Đạo xích tán", "Bát chính khí tán", "Tiêu phong tán", "Hoắc hương chính khí tán", "Long đởm tả can thang", ... Vì vậy, tuy trong danh mục các vị thuốc Đông dược gây suy Thận, mộc thông chỉ là vị thuốc xếp thứ hai, nhưng trên thực tế mộc thông mới chính là "đầu sỏ" trong những vị thuốc dễ gây suy Thận nhất.

    Mộc thông là vị thuốc có lai lịch cực kỳ phức tạp, được khai thác từ rất nhiều loài cây khác nhau. Tại Trung Quốc, vị thuốc mộc thông được khai thác từ hơn 10 loại cây thuộc các họ thực vật khác nhau. Trong số đó, "quan mộc thông" là loại thảo dược rất dễ gây suy Thận. "Quan mộc thông" còn gọi là "mã mộc thông", "khổ mộc thông", ... tên khoa học là Aristolochia manshuriensis Kom., thuộc họ Mã đâu linh (Aristolochiacease). "Quan mộc thông" mới bắt đầu được khai thác ở vùng Đông - Bắc Trung Quốc khoảng hơn 100 năm gần đây. Mộc thông được đề cập trong sách thuốc cổ không phải loại này. Như đã đề cập, trong thành phần của "quan mộc thông" có acid aristolochic, là chất rất dễ gây suy Thận. Loại acid này có trong nhiều loại thuốc Đông dược, như "mã đâu linh", "thiên tiên đằng", "quảng phòng kỷ", "chu sa liên", "tầm cốt phong", ... Những vị thuốc này thường được sử dụng trong các đơn thuốc thanh nhiệt lợi thấp và chống béo phì, ví dụ như "Long đởm tả can thang", "Phụ khoa phân thanh hoàn", "Bài thạch xung tễ", ...

    Trong giai đoạn đầu, những tổn hại do acid aristolochic gây nên diễn ra âm thầm, không có những biểu hiện lâm sàng rõ rệt, cho nên người bệnh thường ít khi chú ý. Cùng với thời gian, bệnh nặng dần, sẽ dẫn tới trạng thái thiếu máu, huyết áp tăng đôi chút, đi tiểu đêm nhiều lần, ... Kiểm tra nước tiểu theo thường quy, có thể phát hiện thấy có một lượng nhỏ hồng cầu, bạch cầu, tỉ trọng nước tiểu thấp, đường niệu dương tính, lượng b2-microglobulin trong nước tiểu tăng cao, ...

    Khi sử dụng liều cao những Đông dược nói trên trong thời gian ngắn, bệnh nhân có thể bị lợm giọng, buồn nôn, vùng bụng trên có cảm giác khó chịu, chức năng gan có thể bị tổn thương, lượng tiểu cầu giảm, thậm chí bị suy Thận cấp tính. Còn khi sử dụng loại dược liệu trên với liều nhỏ trong thời gian dài, quá trình suy Thận mạn sẽ diễn ra dần dần, và điều đặc biệt nguy hại là, sau khi ngừng sử dụng, quá trình suy Thận mãn vẫn tiếp tục tiến triển.

Nhận diện Mộc thông - Khố rách gây suy Thận

    Tại Việt Nam, vị thuốc mộc thông cũng được khai thác từ một số loài cây khác nhau, chủ yếu là từ "dây ruột gà" và "dây khố rách". Điều đặc biệt đáng lưu ý là, tên "dây khố rách" được sử dụng để chỉ 2 cây, thuộc 2 họ thực vật khác nhau.

    Loại thứ nhất (tương đối an toàn: Dây khố rách (Lodes ovalis Bl. var. vitiginea Gagnep), thuộc họ Mộc thông (Phytocrenaceae). Là một loại cây nhỏ, leo cao bằng tua cuốn cao tới 7-10m, có lông mịn, màu vàng nâu. Thân cành mềm, có ít lông và tua cuốn. Lá mọc đối, hình trứng. Hoa màu xanh vàng nhạt, mọc thành chùy mảnh ở kẽ lá, gồm hoa đực và hoa cái. Quả hình trứng dẹt, có lông mịn màu vàng nâu, chứa 1 hạt. Mùa hoa vào các tháng 5-6, mùa quả vào các tháng 7-8. Để làm thuốc, thường sử dụng thân và cành già.

    Loại thứ hai (dễ gây suy Thận): Dây khố rách (Aristoloachia tagala Champ. (A. roxburghiana Klotzh), thuộc họ Aristoloachiaceae (Trung Quốc gọi là họ Mã đâu linh; Việt Nam gọi là họ Nam Mộc hương). Là loại dây leo, thân không có lông, có khía rãnh nhỏ. Thân già màu nâu xám có vỏ nứt dọc. Lá mọc so le, nhẵn, hình tim thuôn dài 12-27cm, rộng 7-8cm; cuống lá dài 5-6cm. Cụm hoa ở nách lá, cuống chung dài 2-5cm. Bao hoa màu nâu tía, nghiêng hoặc cong, gốc phình hình cầu. Tràng hoa có 2 môi, môi trên thuôn dài, môi dưới có 2 thùy nhỏ. Nhị 6, có vòng lồi trên bao phấn. Bầu dưới còn mang 6 đầu nhụy. Quả nang hình trứng, nứt ở đầu cuống, hạt dẹt, hình tam giác, mép có cánh. Mùa hoa quả vào tháng 3-6. Loài khố rách này thường mọc hoang trên núi, ở các tỉnh Lâm Đồng, An Giang, ...

dây khố rách

Dây khố rách - gây suy Thận

    Hiện tại, y học vẫn chữa biết rõ cơ chế gây suy Thận của acid aristolochic. Đối với bệnh này, tới nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị thật đáng tin cậy, vì vậy quan trọng nhất vẫn là dự phòng. Khi sử dụng những loại thuốc có vị mộc thông, cần phải biết chính xác mộc thông trong đơn thuốc là loại mộc thông nào. Với những loại thuốc có mộc thông, nói chung chỉ nên sử dụng thời gian ngắn, với liều lượng nhỏ; những người chức năng Thận đã suy giảm, thì hoàn toàn không nên sử dụng.


Lương y THÁI HƯ

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)