Đông dược gây suy Thận (Kỳ 1) 11/11/2013 9:32:42 CH
Thuốc vườn nhà

Do những đặc điểm về cấu tạo và chức năng, Thận là cơ quan rất dễ bị tổn thương do thuốc. Những năm gần đây, số người mắc bệnh Thận do lạm dụng Đông dược đang có xu thế gia tăng. Vì vậy, nâng cao hiểu biết về độc tính của Đông dược đối với Thận đã trở thành một vấn đề hết sức cấp thiết.

quảng phòng kỷ

Quảng phòng kỷ

Loại thuốc giảm béo gây bê bối

    Thực ra, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, tại Nhật Bản và Trung Quốc, đã xuất hiện một số thông báo khoa học về tác hại của một số vị thuốc Đông dược đối với Thận và các cơ quan nội tạng khác. Tuy nhiên, thời kỳ đó ít ai quan tâm!

    Phải tới tới những năm 90 thế kỷ trước, khi một số phụ nữ  ở Bỉ bị suy Thận, do sử dụng một loại thuốc giảm béo, trong thành phần có cả một số vị thuốc Đông dược, thì giới khoa học và công chúng mới thực sự chú ý tới vấn đề này.

    Năm 1993, lần đầu tiên các thầy thuốc ở Bỉ phát hiện thấy có 2 phụ nữ bị suy Thận (tổ chức kẽ bị xơ hóa cấp tính) do  dùng thuốc giảm béo, trong thành phần có thêm Đông dược.

    Sau khi mở rộng điều tra, các nhà khoa học đã phát hiện: Một số lượng khá lớn phụ nữ muốn giảm béo nhanh đã bị suy Thận cấp, do sử dụng liều cao một loại thuốc giảm béo, thành phần bao gồm một số chất hóa dược và hai vị thuốc Đông dược, đó là "quảng phòng kỷ" và "hậu phác". Thực ra, loại thuốc giảm béo nói trên đã được sử dụng để giảm béo từ 15 năm trước đó. Tuy nhiên, thành phần ban đầu của nó chỉ bao gồm một số hóa dược. Chỉ từ khi bổ sung thêm "quảng phòng kỷ" và "hậu phác", mới bắt đầu xuất hiện biến chứng suy Thận.

    Tính đến năm 1998, tại Bỉ đã ghi nhận có hơn 100 phụ nữ bị suy Thận, do đã sử dụng loại thuốc trên và trong số đó có 1/3 phải chạy Thận nhân tạo.

    Sau khi tiến hành các nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học Bỉ đã nhận thấy, tác nhân gây suy Thận là acid aristolochic - một chất có trong thành phần hóa học của vị thuốc "quảng phòng kỷ". Một số ca bệnh suy Thận khác, do tổ chức kẽ bị xơ cứng, thoái hóa, cũng bị nghi ngờ là có liên quan đến những loại thuốc Đông dược, mà thành phần hóa học có acid aristolochic. Khi đó Vanherwegherm (nhà khoa học Bỉ) đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí "Dao lá liễu" nổi tiếng và đặt tên cho biến chứng suy Thận nói trên là "Bệnh thận do Đông dược Trung Quốc" (Chinese herbs nephropathy, CHN).

    Cách đặt tên như vậy, tuy có phần không thật thỏa đáng, vì Tân dược (thuốc Tây) cũng có thể dẫn đến suy Thận, mà người ta không gọi đó là "Bệnh thận do Tân dược". Sau này, người ta đã đổi tên thành "Bệnh Thận do acid aristolochic". Dù sao đi nữa, vẫn có một sự thật không thể né tránh đó là một số loại Đông dược cũng có thể dẫn tới suy Thận; sự lạm dụng Đông dược có thể dẫn tới viêm Thận thậm chí dẫn tới suy Thận cấp tính.

    Số liệu thống kê cho thấy, cùng với thời gian, số người mắc bệnh Thận do lạm dụng Đông dược, ngày càng gia tăng. Vì vậy, từ những năm cuối thế kỷ trước, vấn đề Đông dược gây suy Thận đã trở thành vấn đề được giới khoa học ở Âu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc quan tâm đặc biệt.

mã đâu linh

Mã đâu linh

Hơn 60 loại Đông dược có thể gây suy Thận

    Hiện tại, khoa học đã phát hiện có hơn 60 loại Dược liệu, bao gồm các loại có nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật, có khả năng gây nhiễm độc đối với Thận. Trong số đó, thường hay gặp nhất là "lôi công đằng", "quan mộc thông" và "quảng phòng kỷ".

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, độc tính của các loại Đông dược khác nhau cũng không giống nhau.

    Thí dụ:

        - Sử dụng quá liều các vị thuốc như "quảng phòng kỷ", "trạch tả", "quan mộc thông", "câu đằng", "đinh hương", "thảo ngư đảm" (mật cá trắm cỏ), ... có thể dẫn tới hoại tử Tiểu quản Thận cấp tính.

        - Lạm dụng các vị thuốc "mã đâu linh", "khổ sâm", "bổ cốt chi", "thổ ngưu tất" có thể dẫn tới bệnh lý urê huyết (uraemia).

        - Sử dụng quá liều hoặc dài ngày các vị thuốc "thương nhĩ tử" (ké đầu ngựa), "chỉ xác", "chỉ thực", "bạch đầu ông", "mang tiêu", ... có thể dẫn tới tình trạng huyết áp tăng cao, huyết niệu (tiểu ra máu).

        - Sử dụng không đúng phương pháp các vị thuốc "quan mộc thông", "ngưu tất", "phù bình" (bèo cái), "kim tiền thảo", "hạ khô thảo", ... có thể dẫn tới bệnh lý tăng ka-li huyết (hyperkalaemia).

    Ngoài ra, còn có một số vị thuốc khác, cũng dễ dẫn tới trúng độc Thận, như "sơn từ cô", "hậu phác", "khiên ngưu tử" (hạt bìm bìm), "anh túc xác" (vỏ quả thuốc phiện), "thảo ô", "thiên ma", "sử quân tử", "ích mẫu thảo", "bạng đại hải" (trái lười ươi), ....

    Theo số liệu thống kê, "lôi công đằng" (Tripterygium wilfordii Hook. f.) là vị thuốc gây tổn thương Thận nhiều nhất; thứ đến là "quan mộc thông", cùng một số chế phẩm trong thành phần có "quan một thông", nhất là loại thuốc viên có tên "Long đảm tả can hoàn”. "Quan mộc thông" là một vị thuốc có rất nhiều ứng dụng lâm sàng, vì vậy tác hại của nó đối với Thận cần đặc biệt chú ý. Trong "Trung Quốc dược điển" còn đưa ra quy định, liều sử dụng "quan mộc thông" chỉ từ 3-6g, khi sử dụng dưới dạng thuốc sắc.

    Kết quả thí nghiệm trên động vật cho thấy, "quan mộc thông" có thể gây tổn hại đối với Thận ở chuột cống thí nghiệm. Chỉ cần sử dụng "quan mộc thông" với liều 10g một lần, đã có thể dẫn tới trúng độc. Điều đặc biệt đáng lưu ý là, 10g là liều lượng rất gần với liều lượng sử dụng thông thường, của phần lớn các vị Đông dược (nói chung, Đông dược thường được kiến nghị sử dụng với liệu từ 8-12g).

    Ngoài ra, do các chứng trạng ngộ độc do "quan mộc thông" gây nên thường không thể hiện ra rõ rệt, không dễ quan sát. Ví dụ, "quan một thông" có thể gây suy Thận cấp mà không có triệu trứng thiểu niệu (Non - oliguric renal insufficiency).

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, acid aristolochic trong "quan mộc thông" và một số vị thuốc khác như "hậu phác", "quảng phòng kỷ", "tế tân", ... có thể dẫn tới hiện tượng hủy hoại các tổ chức kẽ, gây hoại tử và làm rụng phần rìa có dạng bàn chải ở đoạn gần đầu mút của Tiểu quản Thận; ở người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh đái tháo do Thận (renal glucosuria) và protein niệu phân tử thấp (low molecular proteinuria); đồng thời đoạn đầu mút của tiểu quản bị nhiễm độc acit và giảm cô đặc niệu (hyposthenuria).

    Kết quả nghiên cứu gần đây còn chứng minh, acid aristolochic còn có thể dẫn tới ung thư.


Cuối cùng, một điều đặc biệt đáng lưu ý nữa là: Trong danh sách những vị thuốc có khả năng gây nhiễm độc Thận kể trên, có mặt cả một số vị thuốc rất thông dụng, như "trạch tả", "ngưu tất", "câu đằng", "bổ cốt chi", "thổ ngưu tất", "thương nhĩ tử" (quả ké đầu ngựa), "phù bình" (bèo cái), "kim tiền thảo", "hậu phác", "ích mẫu thảo", "bạng đại hải" (trái lười ươi), ...


Lương y THÁI HƯ 

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)