Dây đòn gánh chữa trị chấn thương 17/10/2012 12:39:56 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Gần chỗ tôi ở có loài cây gọi là "dây đòn gánh" mọc hoang rất nhiều. Nghe nói, cây này có tác dụng chữa chấn thương tụ máu rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Cách dùng để chữa bệnh thế nào?

Nguyễn Đình Huân, Thái Bình

Đáp:

dây đòn gánh, đòn kẻ trộm, dây gân, dây con kiến, dây râu rồng, đơn tai mèo, hạ quả đằng, seng thanh, Gouania leptostachya DC.

Thứ cây bạn quan tâm còn có tên "đòn kẻ trộm", "dây gân", "dây con kiến", "dây râu rồng", "đơn tai mèo", "hạ quả đằng", "seng thanh" (dân tộc Mường), ... tên khoa học là Gouania leptostachya DC., thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae). Cây mọc hoang ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta, thường gặp ở những nơi dãi nắng, ven rừng, bãi hoang, bờ suối, đồi trọc, ...

Cây có tên "dây đòn gánh" hay "đòn kẻ trộm", vì thời xưa kẻ trộm bị đánh chấn thương, sưng đau, thường dùng loại cây này mà chữa. Đòn gánh là thứ "vũ khí" sẵn có ở trong nhà, nên kẻ trộm cũng thường hay bị đánh bằng vũ khí này.

Dây đòn gánh là loại dây leo hoặc mọc tựa. Lá dài 4-10cm, rộng 2-6cm, hình bầu dục, phía cuống hơi hình tim, đầu nhọn, mép có răng cưa. Cụm hoa tận cùng hay ở nách lá, thường họp thành chùy dài 10-25cm, có móc ở gốc cuống. Hoa họp từ 4-7 trên một trục ngắn ở nách một lá bắc hình ba cạnh. Hoa đực 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị, bao phấn rất nhỏ. Hoa cái có bầu hạ, bầu rất thấp. Quả khô dài 8-10mm, rộng 10-12mm, khi chín tách thành ba quả mang cánh, hai đầu có đài tồn tại. Hạt dài 1mm, rộng 3mm. Mùa hoa vào tháng 7-8, mùa quả vào tháng 9.

Để dùng làm thuốc, người ta hái toàn bộ phần cây ở trên mặt đất (bỏ rễ), dùng tươi, có thể thu hái quanh năm. Dây đòn gánh là một loại "thuốc đòn", lưu truyền tương đối rộng rãi trong dân gian.

Theo Đông y: Dây đòn gánh có vị chát, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng hoạt huyết (thông mạch, làm tan máu ứ), thanh nhiệt, tiêu viêm, giảm đau. Được dùng làm thuốc chữa bị thương. Còn dùng chữa bỏng; kinh nguyệt không điều hòa; phong thấp, đau ngang thắt lưng, hoặc gánh vác quá nặng, đau sụn xương sống, cơ hông.

Một số cách sử dụng dây đòn gánh:

    (1) Chữa sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương: Dùng thân và lá dây đòn gánh ngâm rượu uống. Hoặc dùng 40g thân và lá dây đòn gánh; sắc lấy nước, rồi chế thêm rượu vào uống.

        Kết hợp dùng ngoài: Thân lá dây đòn gánh giã nhuyễn, chế thêm rượu hay giấm, xoa bóp, đắp chỗ sưng đau. Một số người còn thêm lá náng hoa trắng, lá bạc thau, cùng giã nát, thêm ít rượu, đắp, bó chỗ bị thương.

    (2) Chữa bỏng: Dùng lá và thân dây đòn gánh giã nát; thêm chút nước sôi để nguội vào ngâm, chiết lấy dịch, bôi vào vết bỏng.

Lương y HUYÊN THẢO