Củ kiệu - Vị thuốc nhiều công dụng 21/03/2012 9:15:30 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe nói, củ kiệu có tác dụng chữa nhiều loại bệnh, nhưng không biết cụ thể là những bệnh gì và cách sử dụng như thế nào, nên mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết. Ngoài ra, tôi muốn biết tác dụng của củ kiệu và củ hành có khác nhau không?

Lý Thị Mai, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh

Đáp:

củ kiệu, cò kiệu, giới kiệu, giới căn, giới bạch đầu, dã toán, tiểu độc toán, giới bạch, Alilium chinense G. Don.

Củ kiệu còn có tên là "cò kiệu" (dân tộc Tày), "giới kiệu" (Tuệ Tĩnh), "giới căn", "giới bạch đầu", "dã toán", "tiểu độc toán"; trong Đông y gọi là "giới bạch"; tên khoa học là Alilium chinense G. Don., họ Hành (Liiliaceae).

Cây kiệu hiện tại được trồng ở khắp các vùng quê, để lấy củ muối ăn và sử dụng làm thuốc. Kiệu là loài cây thảo, thân hành màu trắng, có nhiều vảy mỏng bọc bên ngoài. Thân mọc đứng, trần, hình trụ, cao 15-45cm. Lá mọc từ gốc, hình dải hẹp, nửa hình trụ, rộng 1,5-4mm, bên trong rỗng. Cụm hoa hình tán dạng bán cầu, màu tía nhạt hoặc trắng.

Theo Đông y:

    - Củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm; vào 3 kinh Phế, Vị và Đại tràng. Có tác dụng lý khí (chữa các bệnh do sự vận hành của "khí" bị rối loạn gây nên), khoan hung (giải tỏa sự khó chịu ở vùng ngực), thông dương, tán kết, kiện vị, tiêu thực. Chủ trị "hung tý" (vùng ngực khó chịu), đau thắt ngực, "quản bĩ bất thư" (khó chịu ở vùng dạ dày), nôn mửa, kiết lỵ, ung nhọt lở loét, ...

    - Liều dùng: 5-10g khô (tươi 30-60g), sắc hoặc tán bột, làm viên uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc vắt lấy nước bôi.

    - Kiêng kỵ: Người phát nóng do khí hư hoặc âm hư, mồ hôi ra nhiều, đầu đau không nên dùng.

Khác biệt giữa hành và kiệu: Hành và kiệu, đều là những thứ gia vị cay ấm, nhưng tác dụng chữa bệnh lại không giống nhau. Trong Đông y, củ hành được xếp vào nhóm thuốc "Tân ôn giải biểu", nghĩa là những vị thuốc cay ấm dùng chữa cảm lạnh. Còn củ kiệu được xếp vào nhóm thuốc "lý khí", dùng chữa các bệnh do chức năng của "khí" bị rối loạn gây nên.

Theo các nghiên cứu hiện đại: Củ kiệu có tác dụng chống xơ vữa động mạch, chống ngưng tập tiểu cầu (phòng ngừa sự hình thành huyết khối gây nghẽn tắc mạch máu), lợi niệu, hạ huyết áp. Có tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn và tế bào ung thư.

Một số bài thuốc có sử dụng củ kiệu:

    (1) Chữa họng sưng đau: Dùng củ kiệu, giã nát, trộn với giấm đắp bên ngoài chỗ họng bị sưng đau, khi nguội thay thuốc khác. Đắp vài lần họng sẽ đỡ đau.

    (2) Chữa viêm mũi mạn tính: Dùng củ kiệu 9g, tân di hoa 6g, mộc qua 9g; nấu nước uống trong ngày.

    (3) Qua lâu giới bạch quế chi thang: Dùng củ kiệu 9g, chỉ thực 6g, quế chi 6g, hậu phác 6g, qua lâu thực 9g; sắc nước uống trong ngày. Tác dụng: chữa chứng "hung tý" (vùng ngực và thượng vị đầy tức), đờm ứ đọng gây suyễn thở, đau thắt tim, ngực đau nhói xuyên ra sau lưng.

    (4) Qua lâu giới bạch bạch tửu thang: Dùng qua lâu 1 trái (giã nát), củ kiệu 15g, rượu trắng 100ml, nước 500ml; tất cả cho vào nồi gốm, sắc lấy 200ml dịch thuốc, chia ra uống dần, uống ấm (nếu nguội cần hâm lại). Tác dụng: Chữa "hung tý", suyễn thở ho ra đờm dãi.

    (5) Chỉ thực giới bạch quế chi thang: Chỉ thực 4 trái, hậu phác 12g, kiệu 15g, quế chi 9g, qua lâu 1 trái (giã nát); 5 vị đem sắc với 1000ml nước; đầu tiên nấu chỉ thực và hậu phác, sắc lấy 500ml dịch thuốc, bỏ bã, cho các vị còn lại vào nấu nhỏ lửa 20-30 phút; chia ra 3 lần uống trong ngày, uống ấm. Tác dụng: Chữa "hung tý", đau thắt ngực, khí kết hai bên sườn xông ngược lên làm ngực đầy tức.

    (6) Chữa đau thắt tim: Dùng củ kiệu 9g, qua lâu 18g, đan sâm 9g, nghệ vàng 9g, ngũ linh chi 9g, quế chi 6g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, viễn chí 9g, trầm hương bột 3g (hòa vào sau); sắc nước uống trong ngày.

    (7) Chữa kiết lỵ, ỉa chảy, mót rặn: Dùng củ kiệu 9g, sài hồ 9g, bạch thược 12g, chỉ thực 6g, cam thảo 4g; sắc nước uống.

    (8) Chữa xích lỵ (phân lẫn máu): Dùng củ kiệu 12g, hoàng bá 6g; sắc nước uống. Hoặc dùng kiệu 1 nắm, thái nhỏ, nấu cháo ăn.

    (9) Chữa bôn đồn khí thống: Dùng củ kiệu giã nát, vắt lấy nước uống.

    "Bôn đồn khí thống" là tên chứng bệnh trong Đông y. Biểu hiện bởi các triệu chứng: Vùng bụng co thắt dữ dội, khí tích ở bụng dưới xông ngược lên, thẳng tới yết hầu, vùng ngực khó chịu, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, phiền táo không yên; có khi nóng rét qua lại và nôn thổ ra mủ; sau khi bớt cơn lại tỉnh táo như thường. Vì ngực, bụng có cảm giác như bị lợn con húc vào (lợn con thúc vú lợn mẹ) nên mới có tên là "bôn đồn" ("bôn" = húc vào, "đồn" = lợn con).

    (10) Chữa ỉa chảy, nôn khan không ngừng: Dùng kiệu 1 nắm, nước 500ml, sắc cạn còn một nửa, chia thành nhiều lần uống.

    (11) Chữa hôn mê, ngất trong khi ngủ do trúng khí độc: Dùng kiệu giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào mũi, sẽ tỉnh lại.

    (12) Chữa da lở ngứa: Dùng lá kiệu nấu nước rửa, hoặc giã nát đáp lên chỗ da bị bệnh.

    (13) Chữa bỏng: Dùng kiệu giã nhỏ, hòa với mật ong, vắt lấy nước bôi vào chỗ bị bỏng, da sẽ chóng lành.

    (14) Chữa hóc xương cá: Dùng kiệu 1 nhúm, nhai nát, cuốn một đầu sợi dây nhỏ vào trong, nuốt đến chỗ xương bị hóc, cầm đầu dây kéo ra từ từ.

Lương y HUYÊN THẢO