Có nên dùng nhựa đu đủ chữa tàn nhang? 21/11/2011 7:35:41 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Da vùng quanh mắt cháu có rất nhiều tàn nhang. Cháu dùng nhựa đu đủ bôi vào thì bị dị ứng, mắt cháu bị sưng húp lên. Đề nghị "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ dẫn giúp, có cách nào nhẹ nhàng hơn, mà vẫn chữa được không ạ?

Phan Thế Thanh, Tuyên Quang

Đáp:

đu đủ, quả đu đủ, đu đủ xanh

Quả đu đủ

Trong dân gian, ở một vài nơi người ta dùng mủ đu đủ để chữa một số chứng bệnh ngoài da như chàm (eczema), chai chân, mụn cơm, tàn nhang, ...

Nhưng thường không sử dụng mủ nguyên chất mà làm loãng bớt theo cách sau: Dùng quả đu đủ xanh nghiền nát với nước, sau đó lấy bông thấm nước đó bôi lên những chỗ da bị bệnh.

Nghiền bao nhiêu đu đủ xanh với bao nhiêu nước, mỗi ngày bôi bao nhiêu lần, ... lại tùy thuộc vào phản ứng của từng người, không thể đưa ra công thức chung cho tất cả mọi người. Một số người sau khi nghiền đu đủ xanh với nước như trên còn đem đun sôi để nguội, rồi mới bôi để tránh phản ứng quá mãnh liệt.

Nhựa mủ (latex) nhiều nhất trong quả xanh (chừng 4%), còn có ở cả thân, rễ và lá. Trong nhựa mủ đu đủ chứa nhiều loại men tiêu chất đạm, trong số đó có một thứ men có tác dụng như một kháng nguyên, dù là dùng dưới dạng uống, tiêm hay bôi ngoài da đều có thể gây nên dị ứng. Vì vậy sử dụng nhựa đu đủ cần rất thận trọng. Bôi nhựa đu đủ lên vùng da quanh mắt như cháu làm thật là nguy hiểm!

Tàn nhang chỉ là một khuyết tật rất nhỏ về thẩm mỹ. Một điều nữa cũng cần lưu ý là các nốt tàn nhang thường nổi rõ khi cơ thể bị gầy yếu. Khi cơ thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào và căng mịn, thì các nốt tàn nhang không còn hiện rõ nữa. Do đó, để chữa tàn nhang, trước hết cần lưu ý đến vấn đề tăng cường sức khỏe toàn thân. Tàn nhang còn rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, dưới tác động của tia cực tím những nốt tàn nhang sẽ trở nên sẫm mầu hơn, vì vậy khi ra nắng cần đội mũ rộng vành để tránh nắng gắt.

Để làm nhạt bớt các nốt tàn nhang, cháu có thể sử dụng một số phương pháp "nhẹ nhàng" hơn như sau:

• Thuốc uống trong:

    - Dùng khương hoạt 6g, phòng phong 6g, sinh địa 12g, đương quy 8g, xuyên khung 6g, hồng hoa 6g, sơn dược (củ mài) 12g, chi tử (dành dành) 8g, đông qua nhân (hạt bí đao) 12g, sắc nước uống trong ngày. Tất cả các vị thuốc trên đều có thể mua ở các cửa hàng Đông Nam dược.

    - Đây là bài thuốc có tác dụng điều hoà khí huyết và làm nhạt bớt các nốt tàn nhang, thường dùng cho các thiếu nữ và phụ nữ trẻ tuổi. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, tốt nhất cháu nên đến khám ở một phòng khám Đông y có uy tín, để xem trong bài thuốc có vị thuốc nào không thích hợp với thể tạng của cháu hay không và gia giảm cho thật phù hợp.

• Thuốc bôi ngoài:

    (1) Dùng cà rốt tươi thái nhỏ, giã nát, ép lấy nước cốt. Hàng ngày, buổi tối trước khi đi ngủ rửa sạch vùng da có tàn nhang, lấy nước ép cà rốt bôi đều lên chỗ da có tàn nhang. Chờ cho khô, dùng khăn tay tẩm dầu thực vật xát nhẹ lên, sáng dậy rửa sạch mặt bằng nước ấm.

    (2) Dùng hắc sửu (hạt bìm bìm đen) 100g, phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn; hàng ngày lấy lòng trắng 1 quả trứng gà tươi, trộn đều với 1 thìa cà phê bột hạt bìm bìm, bôi vào nơi bị tàn nhang liên tục trong nhiều ngày.

Lưu ý: Những thứ thuốc này tuy không gây dị ứng như nhựa đu đủ. Nhưng cũng cần chú ý bôi từng ít một, tránh thuốc bị dây vào mắt.


Lương y HUYÊN THẢO