Cỏ lá tre (đạm trúc diệp) chữa nhiệt miệng 10/09/2012 9:24:42 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Quanh nhà tôi có rất nhiều cỏ lá tre mọc hoang. Gần đây tôi nghe nói, thứ cỏ này chữa nhiệt miệng rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Ngoài ra, thứ cỏ này còn chữa được các bệnh gì khác?

Nguyễn Thị Lai, Từ Sơn, Bắc Ninh

Đáp:

cỏ lá tre, đạm trúc diệp, toái cốt tử, trúc diệp mạch đông, mễ thân thảo, sơn kê mễ, Lophatherum gracile Brongn.

"Cỏ lá tre" trong Đông y gọi là "đạm trúc diệp"; cây còn có tên là "toái cốt tử", "trúc diệp mạch đông", "mễ thân thảo", "sơn kê mễ", ... tên khoa học là Lophatherum gracile Brongn., thuộc họ Lúa (Gramineae).

Cỏ lá tre là một loại cỏ sống nhiều năm, có rễ phình thành củ, nhiều nhánh, cứng. Thân cao 0,6-1,5m, mọc thẳng đứng, đốt dài. Lá mềm, hình mác dài nhọn, dài 10-15cm, rộng 2-3cm; những lá phía trên có ít lông lơ thơ ở mặt trên, mặt dưới nhẵn; cuống lá gầy tiếp liền với bẹ dài, ôm lấy thân. Hoa mọc thành chùy thưa, dài 15-45cm, bông nhỏ dài 7-12mm. Quả dĩnh hình thoi, dài chừng 4mm, nằm tự do trong mày nhỏ.

Cỏ lá tre là thứ cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Nhiều nhất trong các rừng thưa hay đồi cỏ. Hay gặp nhất ở những chỗ ẩm và có ánh sáng, dọc theo các lối đi trong rừng.

Để dùng làm thuốc, người ta hái toàn cây. Mang về, cắt bỏ rễ con, bó thành từng bó nhỏ phơi hay sấy khô. Dược liệu nhiều khi còn có cả rễ con và đôi khi có cả cụm hoa.

Trong sách thuốc Đông y hiện đại, cỏ lá tre (đạm trúc diệp) được xếp trong loại thuốc thanh nhiệt tả hỏa, cùng một số vị thuốc quen thuộc như thạch cao, hạ khô thảo, chi tử, trúc diệp, lô căn, áp chích thảo (thài lài), ...

Theo Đông y: Cỏ lá tre có vị ngọt, nhạt, tính hàn; vào 2 kinh Tâm và Tiểu trường. Có tác dụng lợi tiểu tiện, thanh tâm hỏa, trừ phiền nhiệt. Dùng chữa sốt khát nước, trẻ nhỏ sốt cao co giật, phiền táo; viêm họng, miệng lưỡi lở loét sưng đau, sưng tuyến nước bọt; tâm phiền, tiểu tiện đỏ, tiểu tiện khó khăn, tiểu buốt, tiểu ra máu, giảm niệu, ... dân gian thường dùng làm thuốc chữa sốt và thông tiểu tiện. Liều dùng hàng ngày là 8-10g, dưới dạng thuốc sắc, thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không được dùng.

Theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam" của TS. Võ Văn Chi: Cỏ lá tre còn dùng làm thuốc uống cho mau đẻ. Đàn bà có thai uống nhiều sẽ gây đẻ non.

Trở lại vấn đề dùng cỏ lá tre chữa nhiệt miệng (loét miệng). "Loét miệng" là tình trạng trong khoang miệng xuất hiện một hay nhiều vết loét. Dân gian hay gọi nôm na là "nhiệt miệng", vì bệnh luôn kèm theo nóng rát và đau. Bệnh loét miệng, trong Đông y gọi là "khẩu sang".

"Khẩu sang" tuy là dạng bệnh biến cục bộ (chỉ phát sinh trong khoang miệng), nhưng có liên quan tới hoạt động của các tạng, phủ trong cơ thể, nhất là hai tạng Tâm và Tỳ. "Tâm tỳ tích nhiệt" thường gây ra loét miệng. Ngoài ra, tình trạng bệnh lý mà Đông y gọi là "Âm hư hỏa vượng" cũng thường hay gây ra loét miệng.

Cỏ lá tre (đạm trúc diệp) có thể sử dụng chữa loét miệng đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, chỉ thích hợp với trường hợp "Tâm tỳ tích nhiệt". Đối với trường hợp loét miệng do "Âm hư hỏa vượng" cần sử dụng những vị thuốc khác.

Loét miệng do "Tâm tỳ tích nhiệt" có những biểu hiện: Trên niêm mạc miệng xuất hiện tương đối nhiều vết loét, kích thước khác nhau. Mặt vết loét có chất dịch phân tiết màu vàng nhạt, niêm mạc quanh vết loét sung huyết đỏ tươi, kèm theo nóng rát, đau nhức. Thường kèm theo cảm giác bồn chồn, mất ngủ, miệng hôi, khát nước, đại tiện táo bón, lượng phân ít, tiểu tiện vàng sẻn. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch sác (nhanh - trên 90 lần/phút).

Nếu thấy có những biểu hiện như trên, có thể sử dụng cỏ lá tre 15-20g, sắc nước uống thay trà trong ngày để chữa.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng cỏ lá tre để chữa trị một số bệnh thường gặp như sau:

    (1) Chữa viêm niệu đạo, tiểu tiện đau buốt: Dùng cỏ lá tre 15-20g; sắc nước uống trong ngày. Nếu có điều kiện, có thể thêm thông thảo 5g, cam thảo 3g, cùng sắc uống.

    (2) Chữa niệu huyết (nước tiểu lẫn máu): Dùng cỏ lá tre 12g, rễ cỏ tranh 9g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

    (3) Chữa nhiệt lâm: Dùng cỏ lá tre 12g, cỏ bấc đèn 9g, dây lá thòng bong 6g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

    "Nhiệt lâm" là tên chứng bệnh Đông y, còn gọi là "cấp lâm". Biểu hiện của chứng bệnh này là tiểu tiện sẻn đỏ, đái lắt nhắt nhiều lần, niệu đạo nóng rát, có thể kèm theo người phát sốt.

    (4) Chữa sốt khát nước, trẻ sốt cao: Cỏ lá tre 30g, sắn dây 15g; sắc nước uống trong ngày.

Lương y HUYÊN THẢO