Cỏ bồng ngâm rửa trĩ lở loét 05/05/2013 7:53:31 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi nghe một số người nói, dùng cây cỏ bồng nấu nước ngâm rửa, chữa bệnh trĩ lở loét, chảy máu, rất tốt. Tuy nhiên, tôi không biết cỏ bồng có hình dạng như thế nào? Cây thường mọc ở đâu và có tác dụng gì? Vì vậy, rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết thêm những thông tin về thứ cỏ này.

Nguyễn Mạnh Hà, Lục Ngạn, Bắc Giang

Đáp:

"Cỏ bồng" trong Đông y gọi là "bại tương thảo". Vị thuốc có tên là "bại tương thảo" vì cây có mùi thum thủm đặc thù, như mùi tương thối ("bại" = bị hỏng; "tương" = tương, ma-di, xì dầu, nước mắm, ...; "thảo" = cây).

Cây còn có tên là "lộc thủ", "mã thảo", "trạch bại", "lộc tương", "khổ thái", "khổ chức", "dã khổ thái", ... "Bại tương thảo" là một vị thuốc rất cổ, đã được mô tả trong "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y học, viết ra cách nay đã hơn 2000 năm.

Trong Đông y hiện đại, bại tương thảo được xếp trong loại thuốc "Thanh nhiệt giải độc”.

Theo dược lý Đông y: Bại tương thảo có vị cay, đắng, tính bình; vào 3 kinh Can, Vị, Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa ứ tán kết, tiêu thũng, bài nùng (tiêu mủ), chỉ huyết (cầm máu), chỉ thống (giảm đau), .... Thường dùng chữa đau bụng, tiết tả, lỵ tật, sản hậu đau bụng, mắt đỏ sưng đau, ap-xe phổi, mụn nhọt mưng mủ, lở loét ngoài da, ngứa, ...

Hiện nay, trên lâm sàng còn thường sử dụng bại tương thảo nấu nước để ngâm rửa chữa bệnh ngoài da. Do có những tính năng trên, sử dụng bại tương thảo nấu nước ngâm rửa trĩ cũng có thể mang lại kết quả tốt, như có người đã nói với bạn.

Điều cần lưu ý là, trên thực tế, vị thuốc "bại tương thảo" trong Đông y được khai thác từ 2 cây cùng họ Nữ Lang (Valerianaceae), có hình dạng gần giống nhau, có cùng tác dụng, đó là:

    1. Cây "Bại tương thảo hoa trắng" (Patrinia villosa (Thunb.) Juss.);

    2. Cây "Bại tương thảo hoa vàng" (Patrinia scabiosaefolia Fisch. ex Link).

Cây hoa vàng mọc nhiều ở Sa Pa, còn cây hoa trắng thấy mọc nhiều ở Lạng Sơn (dân địa phương thường gọi đó là cây "cỏ bồng"). Lục Ngạn, quê bạn, giáp Lạng Sơn, vì vậy, nhiều khả năng có thể phát hiện thấy cỏ bồng mọc hoang.

Để chữa bệnh của mình, có thể sử dụng bại tương thảo hoa trắng hoặc hoa vàng đều được. Bại tương thảo có bán ở các cửa hiệu Đông - Nam dược, hoặc bạn có thể tự khai thác, dựa vào những đặc điểm thực vật, mô tả dưới đây:

cỏ bồng, bại tương thảo, lộc thủ, mã thảo, trạch bại, lộc tương, khổ thái, khổ chức, dã khổ thái, bại tương thảo hoa trắng, Patrinia villosa (Thunb.) Juss.

Bại tương thảo hoa trắng

    1. Bại tương thảo hoa trắng: Là cây thảo, cao 50-100cm; có vị hôi đặc biệt như tương thối. Thân mọc thẳng, có lông mềm dài, phía trên hơi phân nhánh; lá mọc đối, phiến lá hình trứng, dài 3-10cm, rộng 1,5-5cm; mép có răng cưa thô hoặc xẻ thành 3 thùy; hai mặt đều có lông thô; lá phía gần gốc có cuống phía gần ngọn gần như không cuống. Cụm hoa hình ngù, phân nhiều nhánh, bông hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng, đài là ống có răng nhỏ; tràng có ống dài mang 5 tai gần bằng nhau, nhị 5, dính trên ống tràng, bầu 3 ô. Quả khô dính vào lá bắc mỏng, xoan tròn, mép nguyên, chót có 3 chùy; hạt 1.

cỏ bồng, bại tương thảo, lộc thủ, mã thảo, trạch bại, lộc tương, khổ thái, khổ chức, dã khổ thái, bại tương thảo hoa vàng, Patrinia scabiosaefolia Fisch. ex Link

Bại tương thảo hoa vàng

    2. Bại tương thảo hoa vàng: Là cây thảo lớn, sống nhiều năm, cao tới 150cm, hình dạng gần giống bại tương hoa trắng. Thân tròn, rỗng, không lông, đường kính cỡ 1,3cm. Lá có phiến kép, lá chét không lông, mép có răng cưa thấp, không đều, bẹ lá ôm thân. Cụm hoa dạng tán, trục tán cao, bông hoa nhỏ, cánh hoa màu vàng; mùa hoa nở tháng 7-9. Quả hình trứng, dài 2,5-3,5mm, rộng 1,7-2,2mm.

Lương y HUYÊN THẢO