Cỏ bợ - Vị thuốc quý của người bị tiểu đường 19/09/2014 11:47:56 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi bị tiểu đường đã nhiều năm. Bệnh hiện tại tương đối ổn định. Gần đây tôi nghe nói, dùng cây cỏ bợ nấu nước uống thay trà có tác dụng điều hòa đường huyết rất tốt. Đề nghi "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cây cỏ bợ còn có những tác dụng gì khác?

Nguyễn Duy Phát, Bắc Giang

Đáp:

cỏ bợ, rau bợ, rau bợ nước, điền tự thảo, tứ diệp thảo, phá đồng tiền, dạ hợp thảo, Marsilea quadrifolia L., họ Tần (Marsileaceae), bộ Dương xỉ (Hydropterides)

Cỏ bợ

Cỏ bợ còn có tên là "rau bợ", "rau bợ nước", "điền tự thảo", "tứ diệp thảo", "phá đồng tiền", "dạ hợp thảo", ... tên khoa học là Marsilea quadrifolia L., thuộc họ Tần (Marsileaceae), bộ Dương xỉ (Hydropterides).

Cỏ bợ là một loài cỏ mọc hoang ở những nơi ẩm hay ở dưới nước, có thân rễ bò mảnh, mang từng nhóm 2 lá một, cuống lá dài 5-15cm. Mỗi lá gồm 4 lá chét, xếp chéo chữ thập. Tối đến, các lá chét rủ xuống. Từ gốc mỗi nhóm lá phát xuất ra một chùm rễ phụ. Bào tử quả rất bé, nằm ở gốc cuống lá chia làm nhiều ô ngang trong chứa bào tử nang lớn, sẽ sinh nguyên tản cái và nhiều bào tử nang nhỏ sẽ cho nguyên tản đực. Mỗi ô đó tương đương với một ổ tử nang và có áo riêng của nó.

Cỏ bợ là thứ cây "thực dược lưỡng dụng" - vừa có có thể dùng làm rau ăn, vừa có thể làm thuốc chữa bệnh.

Tại nhiều địa phương, người ta thường hái cỏ bợ về làm rau ăn sống, xào, luộc hoặc nấu canh với tôm, tép, ...

Khi dùng làm thuốc, người ta thường hái toàn cây về, dùng tươi, sao vàng sắc uống, hoặc phơi khô dùng dần.

Theo Đông y: Cỏ bợ có tính mát; vị ngọt, hơi đắng. Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, tiêu sưng, nhuận gan, sáng mắt, trấn tĩnh. Dân gian thường hái về sắc đặc uống để giải nhiệt và thông tiểu tiện, chữa bạch đới, khí hư, mất ngủ, ... Có nơi còn giã cây tươi, ép lấy nước uống chữa rắn độc cắn, bã đắp lên những chỗ sưng đau, sưng vú, tắc tia sữa, ...

Tại Trung Quốc cũng dùng với những công dụng gần tương tự như ở ta (Việt Nam).

Hiện tại, trên lâm sàng cỏ bợ thường được ứng dụng để chữa nhiều chứng bệnh, như thần kinh suy nhược, động kinh, mất ngủ, sốt cao, viêm gan, viêm thận phù hai chân, sỏi tiết niệu, đái tháo đường, thổ huyết, tiện huyết, viêm kết mạc, sưng răng lợi, sưng vú, tắc tia sữa, ung nhọt, ...

Liều dùng: 15-30g khô hoặc 30-60g tươi ép lấy nước cốt hoặc sao vàng sắc uống.

Sử dụng cỏ bợ để chữa trị tiểu đường là kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian từ nhiều thế kỷ trước và cũng được gi chép trong một số sách thuốc; có thể sử dụng theo hai cách:

    - Cách thứ nhất - Trà thuốc: Dùng cỏ bợ khô 15-20g (hoặc 30-40g tươi), nấu nước uống trong ngày; dùng theo từng đợt 15-20 ngày, giữa các đợt nghỉ 5-7 ngày.

    - Cách thứ hai - Thuốc bột: Dùng cỏ bợ khô, qua lâu nhân - 2 thứ liều lượng bằng nhau; tán mịn, trộn đều; ngày dùng 3 lần, mỗi lần 8-12g, hòa với sữa uống; hoặc trộn bột thuốc với sữa hoàn thành viên, hàng ngày uống 3 lần, mỗi lần 12-15g.

    Qua lâu còn có tên là "dưa trời", "dưa núi", "hoa bát", "vương qua" (tên gọi ở miền Bắc), "dây bạc bát", "bát bát trâu" (tên miền Nam), người Tày gọi là "thau ca", tên khoa học là trichosanthes kirilouvi Maxim, thuộc họ bí (Cucurbitaceae).

Ngoài ra, còn có thể sử dụng cỏ bợ chữa một số chứng bệnh thường gặp như sau:

    (1) Chữa viêm gan, viêm thận hai chân phù thũng: Cỏ bợ 20-30g sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

    Bài thuốc này còn có tác dụng chữa mắt đỏ đau do phong hỏa.

    (2) Chữa sốt rét: Cỏ bợ 50-6g, sao vàng, sắc với nước uống trước khi lên cơn khoảng 2-3 tiếng. Cũng có thể dùng cỏ bợ vò nát nhét vào lỗ mũi để phòng lên cơn sốt.

    (3) Chữa thổ huyết: Cỏ bợ tươi 60g, gan vịt 1 cái; tất cả cùng giã nát, thêm nước vào đun sôi lên uống.

    (4) Chữa ung nhọt, đầu đinh: Cỏ bợ tươi 1 nắm, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh rồi dùng băng cố định lại, ngày thay thuốc 2 lần.

    (5) Chữa phụ nữ âm đạo sưng đỏ: Cỏ bợ tươi 100-150g, sắc với nước, pha thêm đường trắng vào uống ngày 3 lần.

    (6) Chữa đau lưng do ngoại thương: Cỏ bợ tươi 20-30g, trộn với giấm sao cho nóng lên, sau đó đổ thêm nước vào sắc, uống lúc nước thuốc còn ấm.


Lương y HƯ ĐAN