Chữa viêm nang lông dai dẳng 19/11/2011 4:39:42 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Mấy năm nay cháu bị viêm nang lông, khi uống kháng sinh thì mau khỏi nhưng rất dễ tái phát, ... Cháu nghe nói Đông y có thuốc chữa được tận gốc bệnh này có đúng không?

L. M. Phương, 12A  Ngô Quyền, Hải Phòng

Đáp:

cây hành, củ hành, hành

Viêm nang lông là một loại "viêm da mủ" do tụ cầu khuẩn. Bình thường trên da thường có nhiều tạp khuẩn, phần lớn là tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn; tập trung nhiều nhất ở vùng có nhiều lông, vùng đọng mồ hôi, như các nếp kẽ, các lỗ chân lông, ... Trong những điều kiện thuận lợi, như cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, vệ sinh kém, ngứa gãi xây sát da, thì các vị khuẩn trên tăng sinh, tăng độc tính và gây nên bệnh.

Bệnh thường được chia thành 2 loại:

    - Viêm nang lông nông: Còn gọi là "viêm cổ nang lông", bắt đầu bằng sẩn đỏ, ngứa, đau, lỗ chân lông hơi sưng đỏ, tiếp theo xuất hiện mụn mủ nhỏ, màu trắng ngả vàng, có một sợi lông hoặc lỗ chân lông ở chính giữa, xung quanh có quầng đỏ. Mụn mủ sẽ khô dần, để lại một vẩy tiết nhỏ, hoặc vỡ ra, mủ đọng thành vảy, sẽ bong đi sau vài ngày, không để lại sẹo trên da.

    - Viêm nang lông sâu: Túi mủ nằm sâu trong nang lông và cả vùng quanh chân lông cũng thường bị viêm nhiễm. Mụn mủ có thể rải rác hoặc tập trung thành đám đỏ, cứng cộm, gồ ghề, nặn ra mủ. Viêm nang lông sâu ở vùng cằm, gáy, vùng da đầu tiến triển dai dẳng, hay tái phát. Viêm nang lông sâu nếu không chữa trị kịp thời thường để lại sẹo.

Viêm nang lông tương ứng với chứng bệnh "phát tế sang" trong Đông y. Theo Đông y, bệnh này do "thấp nhiệt" ở bên trong kết hợp với "phong độc" ở bên ngoài gây nên và có liên quan mật thiết tới hai tạng Tâm, Tỳ.

Để chữa trị tận gốc, cháu cần đến phòng khám Đông y, để được các thầy thuốc xác định đúng chứng trạng, trên cơ sở đó mới có thể kê ra những đơn thuốc phù hợp với thể trạng và bệnh trạng của cháu.

Trước mắt, cháu có thể sử dụng thử một số bài thuốc sau:

    (1) Thuốc uống trong: Dùng củ cải 100g, rau sam 50g, thương truật 10g; củ cải để cả vỏ, rửa sạch, thái lát; rau sam rửa sạch, thương truật sao vàng; tất cả cho vào ấm đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, sắc 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 2-3 lần uống trong ngày. (Củ cải có thể mua ở chợ, rau sam có thể tìm ở quanh nhà hoặc ven đường, còn "thương truật" cần mua ở các cửa hàng thuốc Nam).

    (2) Thuốc bôi ngoài:

        - Dầu vừng (dầu mè) đun sôi, chờ nguội, cất vào lọ nút kín dùng dần; hàng ngày dùng hành (cắt đôi củ hành) chấm dầu vừng bôi lên những chỗ da bị viêm 2-3 lần.

        - Hoặc hái lá mướp tươi, rửa sạch, hong khô, giã thật nhuyễn, đắp lên chỗ da bị viêm; mỗi ngày đắp 3 lần.

Nói chung, khi bệnh mới phát, bôi hoặc đắp ngay, theo cách trên, sau vài ngày là có thể khỏi.

Cùng với việc uống thuốc, cần chú ý giữ vệ sinh da, kiêng ăn quá nhiều món xào rán, thức ăn cay nóng có tính kích thích như tỏi, ớt, hồ tiêu, ... Bệnh còn liên quan mật thiết với trạng thái tinh thần, vì vậy còn cần cố giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ.


Lương y HUYÊN THẢO