Chữa "viêm mũi mạn tính" tái phát khi gặp lạnh 24/10/2015 9:43:46 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi bị viêm mũi đã nhiều năm, cứ tới mùa Đông gặp lạnh là tái phát. Tôi đã dùng cây hoa cứt lợn sắc uống, mà không khỏi. Vì vậy rất mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho biết cách chữa bệnh này bằng thuốc Nam.

Lê Nguyễn Quang, Thái Bình

Đáp:

hành

Trong Y học hiện đại (Tây y), viêm mũi mạn tính thường được chia thành 3 loại chính, với một số chứng trạng chủ yếu như sau:

    1. Viêm mũi mạn tính đơn thuần: Chứng trạng chủ yếu là mũi hay bị chảy nước và tắc mũi.

    2. Viêm mũi mạn tính phì đại: Chứng trạng chủ yếu là mũi chảy nước đặc có kèm chút mủ, mũi tắc nghiêm trọng, liên tục, tai ù, sức nghe giảm sút, ...

    3. Viêm mũi mạn tính khô (teo): Chứng trạng chủ yếu là thường cảm thấy ngứa trong mũi, tắc mũi, mũi dễ bị xuất huyết, miệng hôi, ...

Biểu hiện đặc trưng nhất của viêm mũi mạn tính là triệu chứng tắc mũi.

Khi mắc phải bệnh này, mũi thường chảy nước và mũi tắc từng lúc, nằm nghiêng về bên nào tắc bên ấy, nên trong Đông y thường gọi là "tỵ trất" ("tỵ" = mũi; "trất" = bế tắc, không thông).

Nếu thời tiết và khí hậu bình thường thì bệnh nhân vẫn ngửi tốt. Do tắc mũi nên có những hậu quả kèm theo như ngáy to, nói giọng mũi, hắt hơi, khô cổ, nhức đầu, ...

Nếu không phòng trị kịp thời, bệnh sẽ ngày một tăng dần, mũi tắc liên tục, khụt khịt, chảy nước mũi đặc có mùi hôi, ngửi kém dần, niêm mạc mũi quá phát và có những nơi thoái hóa, vùng trán trướng đau, ...

Trong Đông y, viêm mũi mạn tính có tên là "tỵ uyên" hoặc "não lậu". Trên lâm sàng, thường chia thành 3 loại hình chính (còn gọi là "thể bệnh"), để tiến hành dùng thuốc chữa trị:

1. Thể phong hàn:

    - Biểu hiện: Mũi thường chảy nước trong, mũi hay tắc, lúc bệnh phát mạnh, có thể dẫn tới đầu đau trướng; gặp mưa hoặc lạnh bệnh tăng thêm; rêu lưỡu trắng; mạch nhỏ yếu (nhu tế).

    - Phép chữa: Tuyên phế thông khiếu, sơ phong tán hàn.

    - Bài thuốc tiêu biểu:

    (1) Bài 1: Tân di 6g, tía tô 9g, gừng 5 lát, hành 3 củ; tất cả đem sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày; uống liên tục trong 5 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày rồi lại bắt đầu liệu trình khác.

    (2) Bài 2: Trứng gà 2 quả, tân di 6g; đem trứng gà luộc với tân di, khi chín bóc trứng ăn và uống nước thuốc; liên tục trong 5 ngày, nghỉ 3 ngày rồi lại bắt đầu liệu trình khác.

2. Thể phong nhiệt:

    - Biểu hiện: Mũi tắc liên tục, chảy nước mũi đặc, đầu trướng đau, tai ù, phiền táo; rêu lưỡi vàng, mạch nhanh.

    - Phép chữa: Thanh nhiệt tán phong, tuyên phế thông khiếu.

    - Bài thuốc:

    (1) Bài 1: Lá dâu tằm 9g, hoa cúc 6g, hạnh nhân 9g, gạo tẻ 60g; lá dâu và hoa cúc sắc kỹ, chắt lấy nước, cho hạnh nhân và gạo vào nấu cháo, chia ra ăn trong ngày; dùng mỗi ngày 1 thang, liên tục trong nhiều ngày.

    (2) Bài 2: Tổ ong 30g; sau khi vắt hết mật, lấy sáp cho vào miệng nhai, nuốt dần; mỗi ngày hoặc cách ngày ăn 1 lần; liên tục trong 5-6 ngày (1 liệu trình).

3. Thể âm hư:

    - Biểu hiện: Mũi tắc liên tục, nước mũi có nhiều vảy, mũi dễ xuất huyết, miệng đắng, hơi thở hôi, phiền táo khó ngủ; chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, mạnh nhỏ nhanh.

    - Phép chữa: Dưỡng âm thanh nhiệt.

    - Bài thuốc:

    (1) Bài 1: Mai rùa 15g, thục địa 9g, vỏ quít 6g, mật ong tùy thích; đem 3 vị đầu sắc kỹ, chắt lấy nước, pha thêm chút mật ong vào uống; mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 7-10 ngày (1 liệu trình).

    (2) Bài 2: Dầu vừng 30g, hoàng liên 3g; đem hoàng liên ngâm trong dầu vừng, sau 1 tuần có thể dùng dầu đó để nhỏ mũi; mỗi ngày nhỏ 3-5 lần, mỗi lần vài giọt; liên tục cho đến khi khỏi.

Cũng xin nói rõ thêm về vấn đề: Vì sao bạn sử dụng cây hoa cứt lợn không có kết quả?

    Theo Đông y: Cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, tiêu thũng, trục ứ.

    Nhiều người sử dụng cây hoa cứt lợn để chữa trị viêm mũi mạn tính và viêm xoang có kết quả tốt. Tuy nhiên, do vị thuốc này vị cay đắng, tính mát, tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, nên chỉ phát huy tác dụng tốt đối với các trường hợp viêm mũi thuộc thể "phong nhiệt". Cũng có thể sử dụng trong thể "âm hư", nhưng cần phối hợp với một số vị thuốc bổ âm. Do có tính mát, hoa cứt lợn không thích hợp với trường hợp thể bệnh "phong hàn". Bệnh của bạn, nhiều khả năng thuộc thể phong hàn, nên sử dụng không thấy hiệu quả.


Lương y HƯ ĐAN