Chống hôi miệng với lá Hoắc hương 20/02/2012 7:40:25 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Ở quê cháu, khi đun nước vối uống, một số người thường cho thêm vài lá hoắc hương vào cho thơm. Cháu rất muốn biết: Ngoài tác dụng tạo hương thơm, lá hoắc hương còn có những tác dụng gì khác?

Lê Thị Thúy Hằng, Vũ Thư, Thái Bình

Đáp:

hoắc hương

Hoắc hương là vị thuốc có tác dụng giải cảm và chữa một số bệnh đường tiêu hóa như bụng đầy đau, sôi bụng, tiêu chảy, nôn mửa, ... Nhờ có mùi thơm dễ chịu, cộng thêm tác dụng tăng cường tiêu hóa và điều hòa "khí cơ" (sự vận hành của "khí" bên trong cơ thể), hoắc hương có thể sử dụng chống hôi miệng rất tốt.

Các sách thuốc Đông y thường nói: Một vị hoắc hương có tác dụng ngang với cả bài thuốc "Bổ trung ích khí".

"Bổ trung ích khí" là một bài thuốc kinh điển, có tác dụng chủ yếu là tăng cường tiêu hóa và điều hòa chức năng "thăng thanh giáng trọc". "Thăng thanh" có nghĩa là đưa "thanh khí" - thứ khí trong và nhẹ, đi lên phía trên; "Giáng trọc" có nghĩa là tống "trọc khí" - thứ khí nặng đục, đi xuống phía dưới.

"Trọc khí", những thứ chất cặn bã nặng và đục, có giáng xuống phía dưới, mới dễ dàng tống khứ ra ngoài theo đường đại, tiểu tiện; mới không ứ đọng lại bên trong cơ thể, gây nên bệnh tật.

"Thanh khí" đi lên trên, có tác dụng khai thông các khiếu, làm cho mắt tinh, tai thính, mũi và miệng phân biệt chính xác mùi vị, âm thanh phát ra trong trẻo, hơi thở thơm tho.

Như chúng ta biết, hơi thở có mùi hôi, không chỉ do thiếu vệ sinh hay viêm loét răng miệng, mà còn do chức năng tiêu hóa trục trặc, nhất là các chứng viêm loét ở dạ dày.

Để chống hôi miệng, ngoài cách uống nước lá vối hoặc nụ vối có thêm hoắc hương, còn có thể sử dụng một biện pháp khác: Hàng ngày dùng hoắc hương và bạc hà - mỗi thứ 3-5g; hãm nước sôi, xúc miệng nhiều lần và thỉnh thoảng uống.

Lương y HƯ ĐAN