Chè dung có thể chữa được rất nhiều bệnh? 20/11/2011 11:57:51 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi thấy nhiều nơi ở Hà Nội có bán một loại trà gọi là "chè dung". Những người bán hàng nói, đây là đặc sản của Quỳnh Lưu - Nghệ An. Trà này có tác dụng chữa rất nhiều bệnh, như cao huyết áp, mỡ máu cao, các bệnh dường ruột, ... Tôi không rõ thực hư ra sao. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cung cấp thêm thông tin về loại chè này.

Quỳnh Anh, Ba Đình - Hà Nội

Đáp:

cây chè dung, chè dung, chè lang, chè dại, duối gia, Syplocos racemosa Roxb., họ Dung (Symplocaceae)

Chè dung

Chè dung còn gọi là "chè lang", "chè dại", "duối gia", tên khoa học là Syplocos racemosa Roxb., thuộc họ Dung (Symplocaceae).

Về đặc điểm thực vật: Cây dung là loại cây nhỏ, cao 1,5-2m, nhưng có thể cao 4-5m hay 8-9m (nếu để lâu không bị đốn chặt). Lá mọc so le, cuống ngắn, hình trứng thuôn dài, phía cuống hẹp lại, phiến lá dài 9-15cm, rộng 3-6cm, mép có răng cưa ngắn, thưa, mặt nhẵn, khi khô có màu vàng xanh hay vàng nâu. Hoa nhiều, màu trắng hay vàng lục nhạt, mọc thành chùm ở nách lá hay ở đầu cành. Cuống hoa ngắn, trên mặt có phủ lông mịn. Hoa có mùi thơm, nên ong rất thích. Quả hạch ăn được, hình thuôn dài, dài 6-10mm, trên đỉnh có phiến đài, thịt quả màu tím đỏ. Hạt thường đơn độc, màu nâu.

Thực ra, cây dung không phải là "đặc sản" - một cây đặc hữu, chỉ phân bố ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiế sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi: Mọc phổ biến ở khắp các tỉnh miền Bắc, có cả ở Lào (có tên là: mot, kho mươt he, kho meut, dam krong), Campuchia (có tên là: thvet, luot). Còn mọc ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc.

Tại miền Bắc, một số nơi được nhân dân hái lá dùng làm thuốc như vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng), Quảng Ninh. Hái lá tươi về phơi hay sao khô để dành dùng dần.

Từ xưa, dân gian thường dùng lá dung làm chè uống, giúp tiêu cơm, chữa đau bụng, ỉa chảy. Một số nơi, người ta dùng vỏ thân hay vỏ rễ với cùng tác dụng. Thường bóc vỏ về, phơi hay sấy khô, để dùng dần. Vỏ mềm, dễ gẫy vụn, màu vàng nâu nhạt, khi cắt ngang giữa lớp bần và lớp mô vỏ có một lớp màu đỏ, chứa một chất màu đỏ. Ngoài dùng làm thuốc, dân gian còn dùng để nhuộm vải, sau đó nhuộm cánh kiến đỏ cho có màu đỏ.

Về phương diện tác dụng chữa bệnh:

    - Cũng theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi: Một số năm trước Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng dựa vào kinh nghiệm dân gian đã dùng nước sắc và xirô lá dung chữa đau dạ dày có tăng toan, kết quả tốt. Liều dùng cho người lớn mỗi ngày 15-30g lá khô.

    - Tại Ấn Độ người ta dùng vỏ sắc uống chữa đau bụng, đau mắt và rửa vết loét, rong kinh do tử cung bị nhiễm trùng, tiểu tiện ra dưỡng chấp. Liều dùng: Mỗi ngày uống 3-4 lần, mỗi lần uống 3-4g, dưới dạng bột hay thuốc sắc.


Nói tóm lại, theo kinh nghiệm dân gian, chè lá dung có tác dụng tiêu cơm (tăng cường tiêu hóa), chữa đau bụng, ỉa chảy. Những năm gần đây còn phát hiện tác dụng chữa đau dạ dày - thể tăng toan (độ acid của dịch vị tăng cao). Đó là điều đã được ghi chép trong sách thuốc hoặc chứng minh trên lâm sàng.

Còn về những tác dụng khác, khi nào có trong tay tài liệu xác thực, "Thuốc vườn nhà" sẽ tiếp tục thông tin tới bạn và các Quý độc giả khác.


Lương y HUYÊN THẢO