Cây óc chó và vị thuốc hồ đào 19/07/2012 12:44:50 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Tôi được một người bạn mách một bài thuốc chữa bệnh thận, trong đó thành phần chính là "hạt óc chó", nhưng tôi không biết cây óc chó có hình dạng ra sao và thường mọc ở vùng nào? Mong được "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết.

Nguyễn Vinh, Hòa An, Cao Bằng

Đáp:

 cây óc chó, hồ đào, hạch đào, hạnh đào, khương đào, hoàng đào, vạn tuế tử, Juglans regia L.

Cây óc chó trong Đông y gọi là "hồ đào", còn có tên là "hạch đào", "hạnh đào", "khương đào", "hoàng đào", "vạn tuế tử", ... tên khoa học là Juglans regia L., thuộc họ Hồ đào.

Hồ đào là loại cây to, vỏ nhẵn màu tro, sống lâu năm, độ cao có thể đạt tới 30m. Lá kép lông chim, không có lá kèm; thường có 7-9 lá chét; mép nguyên không cuống hình trứng thuôn; khi vò có một mùi hăng đặc biệt. Hoa đơn tính, hoa đực mọc tụ thành hình đuôi sóc rủ xuống, hoa cái xếp 2-3 cái ở cuối các nhánh. Quả hạch, vỏ mẫm, đường kính chừng 3-4cm. Nhân nguyên ở phía trên, chia thành 4 thùy ở phía dưới, nhiều rãnh nhăn nheo, trông như óc, do đó có tên quả óc chó. Hoa nở vào mùa hạ, quả chín vào các tháng 9-10.

Cây hồ đào có nguồn gốc từ Ấn Độ và các nước Tây Nam Á, đã di thực vào Việt Nam từ lâu. Hiện tại được trồng ở một số tỉnh biên giới, như Lào Cai, Hà  Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Cao Bằng (nơi bạn đang sinh sống).

Hồ đào được dùng trong cả Đông y và Tây y. Tây y chủ yếu chỉ sử dụng lá, làm thuốc se da, sát trùng, bổ máu và lọc máu. Còn Đông y sử dụng toàn bộ cây hồ đào.

• Hồ đào nhân: Là nhân phơi hay sấy khô của quả hồ đào chín. Còn có tên là "hạch đào nhân", "hồ đào nhục", "hạch đào nhục", "hồ đào". Hồ đào nhân có vị ngọt, tính ôn, không độc; vào 2 kinh Phế và Thận. Có tác dụng bổ thận cố tinh, ôn phế định suyễn, nhuận tràng. Chủ trị phế thận hư suy khái suyễn, lưng gối yếu mỏi, dương nuy (liệt dương, rối loạn cương), di tinh, tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu có lẫn sỏi, đại tiện táo kết; dùng làm thuốc bổ dưỡng - ăn vào béo ra, mịn da, đen tóc, ...

• Hồ đào diệp (lá cây hồ đào): Có  vị ngọt tính ấm. Có tác dụng sát trùng, giải độc. Chủ trị khí hư, bạch đới, mụn nhọt lở loét, phù chân voi.

• Hồ đào xác: Là vỏ quả hồ đào đã chín (phần thịt). Còn có tên "thanh long y". Chủ trị băng huyết, nhũ ung, lở ngứa.

• Hồ đào chi: Là cành non của cây hồ đào. Có vị ngọt, tính ấm. Có tác dụng sát trùng giải độc. Chủ trị ung nhọt, lở loét. Gần đây còn dùng để làm thuốc giảm đau, bổ máu, kích thích tiêu hóa và sử dụng để chữa một số dạng ung thư.

• Hồ đào hoa: Là hoa hồ đào. Thường ngâm rượu đắp chữa mụn cóc.

• Hồ đào căn: Là vỏ rễ hồ đào. Có tác dụng nhuận tràng, thông đại tiện. Có thể dùng để chữa táo bón mạn tính.

• Phân tâm mộc: Là vách ngăn bên trong của quả hồ đào. Còn gọi là "hồ đào y", "hồ đào giáp", "hồ đào cách". Theo sách "Bản thảo tái tân", phân tâm mộc có vị đắng, chát, tính bình; vào 2 kinh Tỳ và Thận; có tác dụng kiện tỳ, cố thận, sáp tinh, lợi niệu thanh nhiệt; dùng chữa di tinh hoạt tiết, lâm bệnh, niệu huyết, di niệu (đái dầm, đái són), băng trung, đới hạ, tả lỵ.

Lương y HƯ ĐAN