Cây lá hen chữa được bệnh hen? 21/08/2012 12:06:31 SA
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Vùng quê tôi có thứ cây tên là "lá hen" mọc hoang khắp nơi. Cây tên là "lá hen" có phải là chữa được bệnh hen hay không? Mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết.

Trần Minh Tâm, Gia Viễn, Ninh Bình

Đáp:

cây lá hen, nam tì bà, bàng biển, bồng bồng, cốc may, Calotropis gigantea R. Br.

Cây "lá hen" còn có tên là "nam tì bà", "bàng biển" (miền Nam), "bồng bồng", "cốc may" (Tày); tên khoa học là Calotropis gigantea R. Br., thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

Lá hen là loại cây nhỏ, cao 5-7m, có thể cao hơn nếu để mọc tự nhiên. Cành có lông trắng. Lá mọc đối, hình trứng ngược, dài 12-20cm, rộng 5-11cm, không có lá kèm. Góc phiến lá có tuyến trắng, mặt dưới có lông trắng. Hoa mọc thành xim gồm nhiều tán đơn hay kép. Hoa lớn, đường kính 5cm, màu trắng xám hoặc đốm hồng. Đài 5, tràng hợp hình bánh xe. 5 nhị liền nhau thành ống có 5 phần phụ như 5 con rồng. Bao phấn liền với đầu nhụy. Hạt phấn của mỗi ô họp thành 1 khối phấn có chuôi và gót đính 2 lá noãn rời nhau, bầu thượng, đầu nhụy dính liền với các bao phấn. Mùa hoa gần như quanh năm, nhưng chủ yếu vào cuối đông đầu xuân. Quả gồm 2 đại, nhiều hạt dài 23mm, trên hạt có chùm lông.

Ở nước ta, cây lá hen mọc hoang và được trồng nhiều nơi, để làm hàng rào hay để lấy lá làm thuốc. Để làm thuốc, có thể hái lá quanh năm. Hái về dùng vải sạch lau hết lông, phơi hay sấy khô để dùng dần.

Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền kinh nghiệm sử dụng cây lá hen để làm thuốc chữa hen, cách sử dụng cụ thể như sau: Hái lá đem về, lấy khăn ướt lau sạch lông, thái nhỏ, sao qua cho héo; ngày dùng 10 lá sắc với 1 bát rưỡi nước, cô còn 1 bát; thêm đường vào, chia 3-4 lần uống trong một ngày. Nước thuốc có vị hơi đắng và tanh, uống nhiều một lúc có thể gây nôn. Nên uống xa bữa cơm hoặc sau bữa cơm. Uống vào có thể thấy mỏi chân, tay, mình mẩy, đi ỉa lỏng (rất hiếm). Thường có kết quả sau 2-3 ngày, có khi sau 7-8 ngày. Có trường hợp uống vào thấy có kết quả ngay 10 phút sau.

Tại một số nơi, dân gian còn dùng cây lá hen để chữa phong hủi, giang mai: Dùng vỏ rễ cây lá hen sao vàng, cùng với thổ phục linh và vỏ núc nác - mỗi thứ một nắm to (khoảng 30g); sắc lấy nước uống trong ngày.

Ngoài ra, người ta còn dùng nhựa mủ cây lá hen để làm một chất nhuộm màu vàng; vỏ thân có thể dùng làm giấy; gỗ đốt lấy than làm thuốc súng.

Lưu ý:

    1. Một số địa phương gọi cây lá hen là “bồng bồng”. Tuy nhiên, cần phân biệt với một cây bồng bồng - một loại rau dại - thuộc họ Hành tỏi; dân gian thường dùng nấu với tôm làm món canh, hoặc bóp giấm chấm với mắm khô.

    2. Cây lá hen tuy được gọi là "nam tỳ bà", nhưng lại là một cây có độc. Trong khi cây tỳ bà (chính thức) không độc, quả ăn được, quả giống quả nhót, nên còn có tên là "nhót tây". Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoạt chất chính của cây lá hen là một chất glucozit thuộc nhóm chữa bệnh tim. Tuy độ độc của chất glucozit trong cây lá hen không cao bằng một số loại glucozit chữa bệnh tim đã biết, nhưng vẫn có thể gây trúng độc. Vì vậy, cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

Lương y HUYÊN THẢO