Cách dùng rau ngổ (rau om) chữa sỏi thận 19/08/2012 8:31:30 CH
Thuốc vườn nhà

Hỏi:

Gần đây tôi nghe nói, có thể sử dụng cây rau ngổ để chữa sỏi thận. Nhưng rau ngổ lại có nhiều loại, đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết loại rau ngổ nào có thể dùng để chữa sỏi thận? Cách sử dụng cụ thể như thế nào?

Phí Đăng Tâm, Bình Giang, Hải Dương

Đáp:

Ở ngoài Bắc, có 2 loại ngổ mọc hoang và thường được trồng dùng làm rau ăn:

1. Thứ nhất, là loại rau ngổ thuộc họ Cúc (Compositae) có tên khoa học Enhydra fluctuans Lour.

rau ngổ, ngổ trâu, ngổ đất, cúc nước,Enhydra fluctuans Lour.

Rau ngổ

    Là một loại cây sống nổi hay ngập nước; mọc phổ biến trong các ao hồ khắp các tỉnh ở nước ta, ... Cây thường gọi là "rau ngổ", còn có tên là "ngổ trâu", "ngổ đất", "cúc nước". Dưới đây ta sẽ gọi tắt là "ngổ trâu".

2. Thứ hai, loại rau ngổ thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae), có tên khoa học là Limnophila aromatica (Lamk.) Merr.

IMG

Rau om

    Cây này mọc hoang và được trồng ở khắp nước ta, nhưng sử dụng nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam, dùng làm gia vị nấu canh chua, canh cá.

    Cây còn có tên là "rau om", "ngò om", "ngổ om", "mò om", "thủy phù dung", "ma tước thảo", "thủy quản đồng", "thủy bạc hà", ... Tại các tỉnh phía Nam, người ta còn phân ra "rau om xanh" và "rau om tím". Loại tím hay được tìm dùng làm thuốc, nhưng vì hiếm nên vẫn dùng phổ biến loại rau om xanh. Dưới đây chúng ta sẽ gọi tắt là "rau om".

Cả hai cây nói trên, đều có thể sử dụng làm rau ăn và làm thuốc, tuy nhiên chỉ có cây rau ngổ họ Hoa mõm chó - rau om là dân gian sử dụng chữa sỏi thận.

Đặc điểm: Rau om là một loại cây thảo (cỏ), moc bò và nhô cao 15-30cm, thân mập giòn, rỗng ruột, có nhiều lông. Lá đơn, không cuống, có lông, mọc đối hoặc mọc vòng 3-5 lá, mép lá hơi có răng cưa thưa, mặt dưới lá có nhiều đốm tuyến màu xanh. Hoa mọc đơn độc hoặc họp thành 2-3 bông dạng xim. Cuống dài 1,5cm; đài hình chuông, chia 5 răng, dài 4,5mm; tràng dài gấp đôi đài, chia 2 môi; cánh hoa màu tím nhạt; nhị 4, chỉ nhị ngắn; vòi nhụy nhẵn, đầu nhụy chẻ đôi. Quả nang nhẵn, có bướu và nếp nhăn dọc theo quả, ngắn hơn lá đài. Hạt nhẵn hình trụ màu đen nhạt, có vân mạng.

Rau om được sử dụng làm thuốc trong dân gian đã từ lâu đời. Thường hái toàn cây; dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

Theo Đông y: Rau om có vị cay hơi chát, tính mát, mùi thơm. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, chống ngứa. Dùng chữa rắn độc cắn, mụn nhọt sưng đau, da lở ngứa.

Cây rau om có thể sử dụng chữa sỏi thận:

    - Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: "Trước đây rau om chỉ là một thứ gia vị dùng nấu canh chua, canh cá ở các tỉnh phía Nam. Chỉ những năm gần đây, mọi người mới lưu ý tới kinh nghiệm dùng rau om chữa sỏi thận của lương y Lê Quang Tốt. Một người bạn lương y bị sỏi thận, đã mổ một lần, nhưng sau một năm sỏi xuất hiện lại. Bác sĩ khuyên mổ nữa, nhưng lần này sợ có nguy biến. Lương y giới thiệu bệnh nhân lấy rau om giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần. Bệnh nhân nghe theo ngày uống 2 lần, sáng 1 nắm, chiều 1 nắm. Uống liền 5 ngày. Đến ngày thứ 6 bệnh viện đưa đi X quang, để biết rõ vị trí viên sỏi trước khi mổ, thì viên sỏi đã biến mất. Đối với một số bệnh nhân khác, lương y Tốt cho uống một nắm rau om cùng một số vị lợi tiểu như bông mã đề, râu ngô, ... thanh nhiệt và hành khí, cũng đem lại kết quả tốt; bệnh nhân đái thông, cơn đau giảm và mất hẳn".

    - Theo tạp chí "Dược học" (1985, 4, 8-10): Thu Cúc và Phó Đức Thuần đã nghiên cứu dược lý, thấy rau om có độc tính không đáng kể, và độ sử dụng an toàn lớn, có tác dụng lợi tiểu, giãn cơ, chống co thắt. Nhờ tác dụng giãn cơ, nên thuốc có thể làm mất cơn đau bụng, giãn mạch, tăng độ lọc ở cầu thận, tăng lượng nước tiểu giải; nên có thể làm cho viên sỏi bị tống ra ngoài - trong nước tiểu có những viên sỏi bị vỡ nhỏ.

Ngoài ra, còn thường dùng rau om để chữa cảm mạo và rắn độc cắn:

    (1) Chữa cảm mạo: Dùng rau om 15-30g; sắc lấy nước uống trong ngày.

    (2) Rắn độc cắn: Dùng rau om 15g, xuyên tâm liên 24g; giã nát, thêm chút rượu gạo, vắt nước uống; còn bã dùng đắp vào chung quanh vết thương.


Lương y HUYÊN THẢO